.

Hòa Vang: Vừa khắc phục hậu quả bão, vừa chống lũ

.

(ĐNĐT) - Đến sáng 30-9, trên địa bàn huyện Hoà Vang có 5.384 ngôi nhà ở 64 thôn của 11 xã bị ngập sâu trong biển nước, nhiều khu vực ngập 2,5 m. Các nhà dân đều bị cô lập hoàn toàn. Phương tiện di chuyển duy nhất và cũng chỉ dành cho lực lượng xung kích và cán bộ địa phương là các ghe và xuồng máy, cung cấp nước uống, lương thực thực phẩm cho các gia đình ở các thôn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra việc chống lũ ở Hoà Vang.

Ông Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, phương án chống lũ của huyện đảm bảo lương thực thực phẩm đủ trong 7 ngày, nên việc cứu trợ chưa thật cần kíp. Huyện đang chuyển nước uống đến bà con vùng lũ. Xã Hoà Châu có 7/8 thôn ngập sâu trên 2 m, trong đó thôn Tây An có 136 hộ đều ngập, có nhà ngập gần sát nóc.

Ông Phùng Kiệm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho hay, hiện xã có 2 ghe máy cùng với ghe của các thôn, thuận tiện cho việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con vùng lũ. Ở thôn Phong Nam đang có 70 người đang tránh lũ tại Nhà chống lũ đa năng của thôn. Các thôn khác, người dân đều an toàn trên gác tránh lũ. Nhà ông Phùng Mai ở thôn Tây An ( Hoà Châu) ngập hơn 2 m, nhưng cả gia đình không hề lo lắng, bởi nhà khá kiên cố và có gác tránh lũ, và chuẩn bị chu đáo lương thực thực phẩm.

Sáng ngày 30-9, UBND huyện Hoà Vang đã có cuộc họp với lãnh đạo các địa phương, cơ quan ban ngành triển khai công tác khắc phục hậu quả bão và tiếp tục ứng phó với lũ lớn. Huyện chủ trương không cho người dân di chuyển qua vũng lũ, không vớt củi gỗ, đánh bắt cá trên vùng lũ. Di chuyển trên vùng lũ chỉ có lực lượng xung kích được trang bị xuồng ca nô, ao pháo cứu sinh. Ưu tiên khắc phục hư hỏng tại các trường học, trạm y tế để việc dạy và học, khám chưa bệnh sớm trở lại bình thường.

Huyện ứng ngân sách hỗ trợ gia đình người mất tích 3 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng, nhà bị sập hoàn toàn 5 triệu đồng và thành lập tổ khảo sát thiệt hại về nhà cửa tại các địa phương. Ngành y tế đặc biệt chú trọng đến chăm sóc sức khoẻ người dân, đồng thời có giải pháp thau rửa giếng nước, cùng toàn dân tiến hành làm vệ sinh sau lũ, không để xẩy ra dịch bệnh.

Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.