.
HỘI CCB QUẬN NGŨ HÀNH SƠN

Chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ

Hội CCB quận Ngũ Hành Sơn hết sức chú trọng giúp đỡ các cháu mồ côi, nghèo khó và có nguy cơ bỏ học giữa chừng với nhiều hình thức linh hoạt, sát với thực tế địa phương. Cụ thể như Hội CCB phường Hòa Hải vận động hội viên đóng góp kinh phí, bảo trợ dài hạn cho 2 học sinh mồ côi nghèo, giúp học hết THPT và nếu thi đỗ đại học sẽ tiếp tục được bảo trợ.

Ở Hòa Hải còn có phong trào CCB bảo trợ trẻ em đặc biệt khó khăn mà điển hình là hai hội viên Trần Văn Xuất và Phạm Tiến đã nhận hỗ trợ chi phí học tập cho 8 cháu mồ côi nghèo học hết lớp 12. Cháu Nguyễn Minh Thư ở tổ 46, năm nay 13 tuổi xúc động nói: Gia đình em rất nghèo, nhưng nhờ các bác CCB giúp đỡ nên em cũng có đủ quần áo, sách vở, cặp sách, bút mực như các bạn khác trong lớp. Các bác CCB còn thường xuyên đến thăm hỏi và khuyên em cố gắng học tập để lớn lên làm được những công việc có ích.

Hầu hết CCB trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn rất hăng hái tham gia vận động kinh phí để phát thưởng học sinh giỏi và hỗ trợ học sinh nghèo, thúc đẩy phong trào thi đua học tập và ngăn ngừa tình trạng bỏ học giữa chừng. CCB phường Hòa Quý tích cực vận động học sinh có học lực yếu tham gia các lớp học phụ đạo tổ chức tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Hội CCB hai phường Hòa Hải và Hòa Quý đều có chi hội khuyến học và thường xuyên sâu sát từng hộ dân, nắm vững tình hình học tập của con em trong địa bàn. Những cháu bỏ học và có nguy cơ bỏ học đều được các CCB tìm cách giúp đỡ như góp ý với gia đình, trao đổi với tổ dân phố, phối hợp với các đoàn thể vận động, quyên góp giúp đỡ về học phí, sách vở, đồ dùng học tập...

Bên cạnh việc giúp đỡ học sinh nghèo, Hội CCB quận Ngũ Hành Sơn còn làm tốt công tác giáo dục, cảm hóa thanh-thiếu niên (TTN) chậm tiến; tiêu biểu như mô hình 2+1 đã được thực hiện hơn 6 năm qua. Hằng năm, từng chi hội tự nguyện đăng ký nhận giáo dục, cảm hóa một số TTN chậm tiến trong địa bàn.

Cứ 2 CCB, hoặc 1 CCB và 1 cựu quân nhân đảm nhiệm giáo dục, cảm hóa 1 đối tượng, vì thế gọi là mô hình 2+1. Những người được phân công giúp đỡ kiên trì gặp gỡ, khuyên nhủ điều hơn lẽ thiệt nhằm giúp đối tượng thay đổi nhận thức và hành vi, đồng thời khéo léo góp ý với gia đình đối tượng về cách quản lý giáo dục con. Nhờ mô hình này, CCB quận Ngũ Hành Sơn đã cảm hóa thành công hàng trăm đối tượng chậm tiến.

Bất kể tuổi cao sức yếu, những anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa trên quê hương Ngũ Hành-Non Nước hôm nay vẫn nhiệt tình giáo dục lớp trẻ và bền bỉ uốn nắn những trẻ em chưa ngoan, thiết thực góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước. Hằng năm, CCB toàn quận nhận giáo dục từ 30-40 đối tượng chậm tiến và hầu hết đều đạt kết quả tốt. Chỉ riêng từ đầu năm 2009 đến nay, toàn Hội đã cảm hóa thành công 18 trường hợp và khuyên bảo, giúp đỡ 22 cháu bỏ học trở lại lớp.  

Đại tá Trần Văn Khải, Phó Chủ tịch Hội CCB quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trước hết phải xuất phát từ nhiệt tình và tấm lòng thật sự thương yêu trẻ, đồng thời phải có phương pháp giáo dục phù hợp và sự kết hợp chặt chẽ với gia đình các cháu thì mới đạt hiệu quả.

Đối với các cháu chậm tiến thì phải nắm chắc hoàn cảnh của từng trường hợp để có cách khuyên bảo thích hợp, phải coi các cháu như con của mình để bảo ban, phân tích và kiên trì khuyên nhủ nhiều lần thì mới đạt kết quả. Có những cháu quá ương bướng, ngang ngạnh, CCB phải phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khác thì mới tạo được sự chuyển biến.

LÊ VĂN

;
.
.
.
.
.