.

Hồi sinh làng chiếu Cẩm Nê?

.

Thăng trầm một làng nghề

Những người già trong thôn kể lại rằng, nghề dệt chiếu ở Cẩm Nê được du nhập từ làng chiếu nổi tiếng Nga Sơn (Thanh Hóa) cùng với quá trình “Nam tiến” khai ấp, lập thôn. Ngày ấy, biền đất Cẩm Nê và khu đất ven sông từ cầu Đỏ lên giáp với thôn Thạch Bồ rất phù hợp cho cây lác, cây đay phát triển. Nhờ địa thế tự nhiên ấy, cây lác, cây đay trắng muốt. Thêm vào đó, cách pha nước thuốc khá đặc biệt, hoa thêu bằng sợi chứ không in như nơi khác và dệt trân đôi nên “hữu xạ tự nhiên”, chiếu Cẩm Nê vang danh từ đó. Chiếu Cẩm Nê không chỉ nức tiếng ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng mà tiếng thơm của nó còn vang xa đến tận Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Các khung dệt cất trong góc nhà.

Sau ngày giải phóng, biền đất trồng cây đay, cây lác của thôn không còn thích hợp trồng cây nguyên liệu. Để duy trì nghề làm chiếu, mọi người phải vô tận Bến Lức (Long An) để mua sợi. Bên cạnh đó, sản phẩm làm bằng thủ công ngày xưa không thể cạnh tranh với công nghệ máy móc ngày nay nên chiếu Cẩm Nê ngày càng mất đi vị thế trên thị trường. “Chúng tôi dệt thủ công mỗi ngày được 2 cặp chiếu, với giá từ 60-70 ngàn đồng/chiếc, trừ các chi phí thì thu nhập mỗi ngày chỉ độ 20-30 ngàn đồng/người. Đã vậy khi bán ra thị trường, nhiều người “chê” chiếu làng tôi bán đắt”, ông Nguyễn Hữu Cẩm-Bí thư chi bộ thôn bùi ngùi. Cũng chính vì không thể sống bằng nghề truyền thống, nhiều người trong thôn chuyển hướng mưu sinh.

 Hiện nay, trong tổng số gần 500 hộ gia đình ở đây, chỉ còn 8 khung dệt hoạt động. Trong đó phần lớn là người già nhớ nghề mà làm, chứ trai trẻ chẳng mấy ai còn mặn mà với cái nghề này nữa. Cũng chính vì “đau” với nghề, không muốn nghề làm chiếu một thời là niềm tự hào của làng bị thất truyền, mấy năm nay, dù tuổi cao sức yếu nhưng bà Ngô Thị Thân cùng người bạn già là Nguyễn Thị Lại cứ cặp đôi đan chiếu. “Tuổi già chúng tôi làm cho đỡ nhớ nghề thôi, chứ tụi trẻ bây giờ đâu quan tâm gì nữa”, tay thoăn thoắt luồn lác vào khung dệt, bà Thân than thở. Bà có bảy người con thì cả bảy đã bỏ nghề ra thành phố tìm việc.

Những nỗ lực khôi phục

Trước thực trạng làng nghề đang mai một, đầu những năm 2000, dự án khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch đã được xã Hòa Tiến thông qua và chuyển lên cấp trên phê duyệt và điểm nhấn tạo đà là hội thảo về khôi phục làng chiếu Cẩm Nê, với sự tham gia của các sở, ban, ngành thành phố và địa phương.

Nhưng rồi chuyện cũng chẳng đi đến đâu. Không chấp nhận làng nghề rơi vào quên lãng, tháng 3 âm lịch năm ngoái, xã Hòa Tiến tiếp tục tổ chức lễ hội “Về với cội nguồn”. Trong lễ hội có phần thi xé tra dệt chiếu, rồi tổ chức bán đấu giá chiếu do dân trong làng dệt để khơi dậy lòng yêu nghề trong giới trẻ và hy vọng vực dậy làng nghề sắp lụi tàn. Nhưng một lần nữa, sự nỗ lực ấy chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Trước nguy cơ “xóa sổ” làng nghề, huyện Hòa Vang triển khai Đề án Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ. Khi mới triển khai, nhiều người hy vọng nó sẽ là luồng gió mới đủ sức vực dậy làng nghề. Và 33 tỷ đồng cho kế hoạch khôi phục làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái đã hình thành. Nhưng rồi đề án cũng chẳng đi đến đâu. Theo ông Huỳnh Văn Thới-Trưởng phòng NN-PTNT huyện, đề án quá chú trọng nâng cấp hệ thống giao thông mà ít đầu tư trực tiếp vào làng nghề nên đã “chết” yểu trên giấy.

Chuyện khôi phục nghề chiếu Cẩm Nê cứ ngỡ không thể bàn nữa thì tháng 5 vừa qua, Phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang phối hợp với HTX SXKDTH Hòa Tiến 1 tổ chức triển khai thí điểm mô hình trồng cây đay trên vùng đất ven sông Yên. Ông Thới cho biết, rút kinh nghiệm thất bại từ đề án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục hồi Làng nghề truyền thống, mô hình này từng bước “giải mã” những nguyên nhân chính dẫn đến mai một làng nghề, trong đó phần lớn là do thiếu nguồn nguyên liệu. Sau gần 3 tháng triển khai, 2 sào đay của ông Phan Quỳ đã cho kết quả ngoài sự mong đợi. Nhìn cây đay cao gần 2m lắc lư theo chiều gió, ông Quỳ thổ lộ:
 
Khi HTX vận động bỏ ngô sang trồng cây này, ông rất lo lắng vì không am tường kỹ thuật cũng như cách chăm sóc cây đay. Nhưng rồi làm thử lại chẳng ngờ “ăn” thiệt. “Mấy hôm nay, nhiều người đến liên hệ đặt mua với giá 27 ngàn đồng/kg đay khô, tôi sợ không đủ cung cấp nên không dám nhận nhiều. Nay tôi mới thu hoạch một góc nhỏ đã cho gần 40 kg đay. Với đà này, 2 sào đay của tôi sẽ cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/vụ là có chắc”, ông Quỳ vui mừng.

Hướng đi nào bền vững?

Theo người dân địa phương, với khảo nghiệm thành công cây đay làm nhiều người hy vọng có thể chuyên canh loại cây trồng này trên biền đất ven sông thay thế các loại cây hoa màu kém năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Theo Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Hữu Cẩm, trước hết hãy khoan tính đến chuyện có thể khôi phục làng nghề hay không, mà chỉ nói đến tính hiệu quả của cây trồng này. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, thậm chí kiến nghị với chính quyền xã hỗ trợ đất phần 1 cho nhân dân chuyên trồng đay.

Còn nếu tính đến chuyện khôi phục làng nghề thì chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố thuận lợi để từng bước “kéo” mọi người quay về làng nghề. Ông Phan Văn Nhiên, Chủ nhiệm HTX SXKDTH Hòa Tiến 1 cho rằng, khôi phục lại nghề dệt chiếu không phải chuyện một sớm một chiều có thể làm được mà phải đòi hỏi thời gian, cùng với cái tâm và tầm của những người tham gia xây dựng và thực hiện đề án.

Địa bàn huyện Hòa Vang có vẻ đẹp dân dã của vùng nông thôn, có thể thu hút khách du lịch như nét đẹp làng quê Phong Nam, xuôi thuyền về sông Yên ngắm vẻ đẹp mộc mạc của người thôn quê hai bên triền sông, ngược lên Ba-ra An Trạch đến bia di tích Phổ Lỗ Sỹ, theo tuyến đường ĐT 604 lên thăm khu căn cứ cách mạng Huyện ủy và thỏa mắt với vẻ đẹp của khu sinh thái Suối Hoa…

Từ những đặc điểm này, huyện Hòa Vang đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái kết hợp với các làng nghề truyền thống. Theo ông Cẩm, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố vừa chọn hai vùng rau sạch tại thôn Cẩm Nê (Hòa Tiến) và Túy Loan Tây (Hòa Phong) để trình diễn kỹ thuật trồng rau an toàn sinh học.
 
Nếu chúng ta áp dụng mô hình “níu” khách du lịch như ở thành phố Hội An (Quảng Nam) là vừa cho khách đi tham quan cung cách sản xuất, đồng thời hướng dẫn họ phương thức làm ra sản phẩm trực tiếp sẽ tạo cảm giác thú vị cho những ai một lần dừng chân tại đây. Và như thế, khi nghề nuôi nổi nghiệp thì làng chiếu sẽ có cơ hội khôi phục.

Bài và ảnh: HẠ SƠN

;
.
.
.
.
.