(ĐNĐT) - Ngày 25-9, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn khẳng định sự cần thiết xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 56/2006/NĐ-CP nhằm sửa đổi những hành vi vi phạm không còn phù hợp, bổ sung những hành vi mới trong thực tiễn và chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động báo chí, xuất bản.
Cần lượng hóa hành vi để áp dụng mức phạt
Đại diện Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tại Điều 6 của dự thảo quy định về vi phạm các quy định về nội dung thông tin có những điều không khả thi như: yêu cầu cơ quan báo chí đăng, phát ảnh cá nhân phải có sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó (trừ một số trường hợp). Đại diện báo này nói: Nếu cứ đăng ảnh chính trị gia nào chúng tôi cũng phải gọi điện để xin phép thì rất khó.
Yêu cầu báo khi đăng, phát tin, bài phải biết rõ tên thật và địa chỉ của tác giả cũng không khả thi. Ví dụ như bạn đọc phản hồi với sự kiện báo nêu qua thư điện tử thì chỉ là một địa chỉ ảo, làm sao cơ quan báo chí biết được họ tên thật là gì, địa chỉ ở đâu. Quan trọng là xem xét nội dung mà cơ quan báo chí đã đăng, phát.
Tương tự là yêu cầu báo phải viện dẫn nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí cũng là yêu cầu quá khó đối với cơ quan báo chí. Tại Điểm b, Khoản 2 quy định hành vi vi phạm là đăng, phát tin bài, tranh, ảnh hở thân thiếu thẩm mỹ... cũng mơ hồ không cụ thể, hở đến đâu thì bị phạt.
Ông Mai Đức Lộc, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, nói: Cần phải lượng hóa được hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 của dự thảo nghị định. Chẳng hạn, tại Điểm a, Khoản 2 quy định hành vi vi phạm: thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu nhưng chưa nghiêm trọng. Vậy mức độ gây ảnh hưởng xấu như thế nào là chưa nghiêm trọng thì cần được lượng hóa cụ thể. Tại Điểm a, Khoản 5 quy định về hành vi đăng, phát nội dung không được phép thông tin, nhưng trong thực tế không có quy định cụ thể thông tin nào là được phép hay không được phép thông tin.
Nhà báo tác nghiệp (Ảnh: Mỹ Hạnh) |
"Siết" báo in, "lỏng" báo mạng Đại diện Sở TT-TT Nghệ An đề nghị đưa cả những công ty truyền thông sử dụng tin, bài, ảnh của các cơ quan báo chí đăng, phát trên trang thông tin điện tử của mình vào đối tượng điều chỉnh tại dự thảo nghị định này như cơ quan báo chí, xuất bản. Nghị định cần đưa cả chế tài xử phạt cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, xuất bản để cơ quan này tăng cường trách nhiệm quản lý của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, nghị định này tiếp tục “siết” quản lý báo in nhưng lơi lỏng đối với báo mạng. Ví dụ tại thành phố Hồ Chí Minh, có tác phẩm truyện bị các cơ quan báo chí, xuất bản từ chối đăng, xuất bản nhưng vẫn có thể đọc trên mạng Internet. | |
Quy định rõ hơn hành vi cản trở hoạt động báo chí
Về thẩm quyền được quy định từ Điều 29-32, chương III của dự thảo nghị định, ông Mai Đức Lộc nói: Có cảm giác như ai cũng có quyền phạt đối với cơ quan báo chí. Việc xây dựng nghị định này là để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật chứ không phải là để phạt.
Đại diện Báo Gia đình & Tiếp thị đề nghị có quy định cụ thể tránh việc cơ quan báo chí, xuất bản đã bị Thanh tra Bộ TT-TT phạt lại còn bị Thanh tra Sở TT-TT ở địa phương phạt một lần nữa.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định hành vi cản trở hoạt động hoạt động báo chí thành một điều cụ thể. Dự thảo chưa có quy định hành vi hành hung nhà báo. Mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật; hủy hoại phương tiện hoạt động báo chí của nhà báo là quá nhẹ. Phương tiện hành nghề của nhà báo có giá trị lớn song mức phạt quy định ở đây chưa đủ sức răn đe.
Đại diện Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh nói như tâm sự với các đại biểu dự hội thảo: “Đảng bộ báo tôi từng bàn ra nghị quyết không để xảy ra sai sót nhưng không thể ban hành được, bởi có những sai sót không thể lường được. Sai thì phải chịu phạt nhưng cơ quan quản lý nhà nước khi xử phạt cần xem xét làm rõ đâu là cái sai cố ý, đâu là cái sai vô ý.”
Sơn Trung