Hội thi Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi năm 2009 đã khép lại. Những ai có mặt trong cuộc thi này, hẳn sẽ thêm một góc nhìn mới về chị em phụ nữ thành phố Đà Nẵng-tài năng “đầy mình”, khát vọng hoàn thiện bản thân, yêu gia đình nhưng không quên trách nhiệm xã hội.
Lần đầu lên sân khấu: Diễn như thiệt!
Tiết mục múa của phụ nữ Sơn Trà. |
Màn múa tái hiện hình ảnh những người phụ nữ cả đời gắn bó với nghề biển của quận Sơn Trà đã tạo được nhiều cảm xúc nơi khán giả. Lúc dịu dàng như những làn sóng êm, lúc mãnh liệt giành lấy sự sống trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những “âm thanh” toát lên từ động tác cơ thể đã chuyển tải gần như trọn vẹn nỗi niềm của người dân chài lưới. Được biên đạo kỹ càng, các chị cán bộ Hội bỗng chốc hóa thành những nghệ sĩ múa với các động tác không dễ thực hiện.
Chị em quận Cẩm Lệ lại được dịp phô diễn các làn điệu dân ca hò khoan, đối đáp qua liên khúc cây nhà lá vườn mang ước vọng và ý nghĩa cuộc sống của người phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày ở cơ sở.
Đến phần thi của phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn, khán giả say theo màn nhảy chachacha đôi nam nữ. Dĩ nhiên, là cuộc thi của chị em nên không có anh nam nào cả. Nhìn cái cách các chị đóng giả trai rất sành điệu, nếu chàng nào vô tình nhìn thấy hẳn phải ganh tị về… vẻ đẹp trai.
Đằng sau cánh gà sân khấu, có chị bộc bạch, “quậy” được cỡ đó, cả đội đã mất 3 tháng tập luyện. Nhờ vậy mới diễn được như thật.
Tình huống trên sân khấu và đời thực
Phần thi kỹ năng xử lý tình huống đưa ra một vài trường hợp rất thường gặp trong cuộc sống và công tác hằng ngày của chị em. Đó là chuyện tuyên truyền về giải tỏa đền bù, về việc xin hỗ trợ kinh phí, mất đoàn kết nội bộ, rồi cả chuyện bị chồng không cho tham gia hoạt động xã hội.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đạt giải nhất phần thi kỹ năng, chia sẻ: “Trên sân khấu chỉ có 7 phút để xử lý một tình huống, nhưng trong thực tế, có khi chúng tôi phải đi đường vòng, vận dụng nhiều mối quan hệ, nhiều sự hiểu biết để tác động vào đối tượng. Tình huống ngoài đời có khi không trớ trêu đến thế, nhưng có những cái oái oăm hơn nhiều”.
Chị Nga cho biết thêm: “Chẳng hạn với việc bị chồng cấm tham gia công tác Hội. Đâu phải chỉ cần có người đến tâm sự, khuyên giải là chồng đổi ý ngay. Bản thân cán bộ chúng tôi mỗi người đều tự cố “lấy lòng” chồng. Làm thế nào cho anh ấy vui, phấn khởi, đồng tình với hoạt động của vợ là cả một nghệ thuật đòi hỏi nhiều thời gian, công sức”.
Để giải quyết tốt các tình huống, theo chị Nga, dù trên sân khấu hay trong đời thực, cán bộ Hội Phụ nữ cần phải có sự tự tin, kỹ năng giao tiếp và căn bản nhất là hiểu và giải quyết vấn đề trên cơ sở các kiến thức khoa học, pháp luật mới tạo được tính thuyết phục cao.
Bài và ảnh: THU HOA