.

Hôm nay, lũ ở Đà Nẵng trên báo động II

.

*  Miền Trung - Tây Nguyên: Thiệt hại nặng do mưa lũ
*  Rau xanh, hải sản ít, giá tăng

Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, trong 2 ngày qua, từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Từ 19 giờ ngày 6-9 đến 7 giờ ngày 8-9, lượng mưa đo được ở một số nơi như sau: Đà Nẵng 221 mm, Giao Thủy (QN) 244mm, Câu Lâu (QN) 286mm… Mưa to đã gây lũ trong khu vực.

13.970ha lúa các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên bị ngập ngã đổ.         Ảnh: ĐNĐT


Vào 13 giờ ngày 8-9, mực nước trên sông Hàn ở Cẩm Lệ 0,86m, trên  báo động I là 0,16m. Dự báo đêm 8 và ngày 9-9, lũ trên các sông tiếp tục lên. Mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa khả năng lên 8,3m, trên báo động II 0,5m; trên sông Hàn tại Cẩm Lệ ở mức 1,3m, trên báo động II 0,2m. Tại khu vực miền núi, nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ lưu sẽ bị ngập sâu trên diện rộng.

Theo số liệu từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN), hiện tại trên địa bàn thành phố có 1.250ha lúa hè thu đang kỳ ngậm sữa bị ngập lũ, nhiều khả năng sẽ thất thu từ 50-100%; 1.780ha chuẩn bị thu hoạch bị ngập, năng suất giảm từ 20-50%. Mặt khác, mưa kéo dài nên số lúa bị ngập thu hoạch về không phơi sấy được sẽ bị nẩy mầm. Đây là nguyên nhân nông dân không nỗ lực thu hoạch lúa đã chín bị ngập. Như vậy, tính đến nay, thiệt hại về tài sản do lũ gây ra trên địa bàn thành phố ước 40 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp 30 tỷ đồng. 

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương huy động tối đa nguồn nhân lực,  tập trung thu hoạch lúa hè thu vùng bị ngập lụt, nông dân vận dụng nhiều giải pháp hong phơi lúa, đặc biệt phát huy hiệu quả máy sấy lúa ở xã Hòa Tiến, không để lúa nẩy mầm.

Kiểm tra tình hình thiệt hại của từng hộ để thành phố có biện pháp hỗ trợ, đồng thời có phương án chủ động giống cho vụ đông xuân tới. Theo ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, huyện đang huy động nông dân tích cực thu hoạch lúa và đã thu hoạch được 90ha. Số lúa chín bị ngập có nơi đã nẩy mầm, không thu hoạch.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành triển khai phương án phòng chống lũ, đặc biệt chú trọng an toàn hồ đập, chủ động di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét khi tình huống xảy ra.

N.C

Ông Lê Minh Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) khu vực miền Trung-Tây Nguyên (thuộc Cục Quản lý đê điều và PCLB, Bộ NN-PTNT) cho hay, tính đến sáng 8-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận thêm một trường hợp bị mất tích do lũ cuốn trôi. Đó là ông Đinh Văn Thông (người dân tộc Cơtu, trú tại thôn Lấy, xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam). Hiện UBND huyện Đông Giang đang chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực tìm kiếm nạn nhân. Như vậy đến nay, trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên đã có 4 người thiệt mạng, 4 người mất tích và 9 người bị thương.

Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã điều động 3 tàu tìm kiếm nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tìm được tông tích chiếc tàu đánh cá QNg 50791TS công suất 39CV của ông Trịnh Thanh Đào (quê ở Bình Hải, Bình Sơn) có 2 lao động bị mất tích khi đang trên đường từ Bãi Ngang vào cửa Sa Cần tránh trú.

Chiếc sà lan cầu cát của Công ty Chung Guang bị đứt neo trôi dạt cách cửa biển Mỹ Á (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) khoảng 3,5 hải lý, được Bộ đội Biên phòng phát hiện, báo cho Công ty cổ phần Sapia Quốc tế lúc 8 giờ ngày 4-9, đến 14 giờ cùng ngày thì không còn thấy chiếc sà lan này tại vị trí được phát hiện và cho đến nay vẫn chưa có tung tích gì.

Ông Lê Minh Nhật cho hay, trong ngày 7-9, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 4 giờ ngày 7-9 đến 4 giờ ngày 8-9 phổ biến từ 50 đến 80mm, thậm chí có một số nơi trên 200mm như Hòa Bắc (Đà Nẵng) 205mm, Thượng Nhật (Huế) 215mm, Câu Lâu (Quảng Nam) 257mm, Cù lao Chàm (Quảng Nam) 310mm…

Trong đêm 7-9, lũ trên sông Hương (Thừa Thiên-Huế) và các sông thuộc tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông đã đạt đỉnh gần mức báo động 3, riêng tại Đăk Nông trên báo động 3 và đang xuống. Tuy nhiên, lũ trên sông Bồ và các sông từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi lại đang lên. Mực nước lúc 4 giờ sáng 8-9 trên sông Bồ, sông Vu Gia, sông Trà Khúc và sông Vệ đều trên báo động 1, sông Hương và sông Srêpok trên báo động 2…

Không chỉ gây thêm thiệt hại về người, trận mưa lũ lớn xảy ra trong ngày 7-9 còn khiến thiệt hại về giao thông, thủy lợi và nông nghiệp của các địa phương trong khu vực thêm nghiêm trọng. Chỉ trong 1 ngày, toàn khu vực đã có thêm 5.500m3 đất đá của các tuyến giao thông bị sạt lở, bồi lấp, tăng đến 2.820% so với thống kê trong ngày trước đó.

Tương tự, trên lĩnh vực thủy lợi, nếu ngày 7-9 chỉ mới ghi nhận công trình nhỏ, đập tạm bị vỡ, hư hỏng thì đến sáng 8-9, con số này đã tăng lên 16. Đặc biệt, khối lượng đê kè bị sạt lở đã tăng lên 18.300m3 so với 200m3 được thống kê trước đó 1 ngày. Trên lĩnh vực nông nghiệp, nếu ngày 7-9 ghi nhận có 11.617ha lúa bị ngập, ngã đổ thì đến sáng ngày 8-9 đã tăng lên 13.970ha; diện tích rau màu các loại bị ngập, hư hại cũng tăng từ 5.411ha lên 8.990ha…

Ông Lê Minh Nhật cho biết, hiện chỉ mới có 2 địa phương tạm thống kê về giá trị thiệt hại là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tuy nhiên, con số này cũng tăng vọt từ 20 tỷ ngày 7-9 lên 51 tỷ đồng vào sáng 8-9. Nếu thống kê đầy đủ các địa phương trong khu vực thì con số thiệt hại sẽ còn lên đến gấp nhiều lần.

CẨM AN

Gần một tuần qua, mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương miền Trung ngập trong biển nước. Rau màu bị ngập úng, không cho thu hoạch. Biển động, tàu thuyền khó ra khơi. Nhiều hoạt động mua bán, vận chuyển trì trệ… Lượng rau, quả, các loại hải sản biển đã giảm và tăng giá.

Giành hàng bán

Chợ đầu mối Hòa Cường hoạt động lúc 1-2 giờ sáng, xe chuyên chở hàng laghim, trái cây từ phía Nam, phía Bắc đã đổ về cho tư thương từ rất sớm. Tuy nhiên, mấy ngày nay do mưa lớn kéo dài, nhiều đoạn đường bị ngập nặng, nhiều loại thực phẩm đã bắt đầu khan hiếm. Trung bình một ngày có trên 100 tấn laghim về tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng, nhưng hiện tại trong 3 ngày mưa, cao điểm chỉ có khoảng 70% lượng hàng.

Rau địa phương các vùng lân cận như Quảng Nam chỉ chiếm 10% tổng số lượng rau củ các nơi (khoảng 10 tấn), nhưng theo ông Huỳnh Viết Thành, Trưởng BQL chợ Đầu mối Hòa Cường, lượng rau trong 3 ngày 5, 6, 7 tháng 9 chỉ còn một nửa. Thậm chí ngày 4-9, chỉ có hơn 1 tấn rau quê về chợ. Tiểu thương các chợ lớn nhỏ của thành phố đều tập trung về lấy hàng, trong khi chỉ có 40 tấn trái cây và laghim đổ về. Hai ngày lại đây, lượng rau, củ, quả đã gần như cân bằng trở lại so với ngày mưa lớn đầu tiên, nhưng tình trạng khát rau quê vẫn xảy ra vào sáng sớm.

Không riêng chợ Đầu mối, tiểu thương các chợ Hòa Khánh, Hòa Sơn, KCN, Nam Ô vùng Liên Chiểu và Hòa Vang cũng giành giật vì… rau. Rau xanh tại các chợ tuy không hiếm đến mức không thể mua, nhưng vì giá cao, nhiều người thay bằng khoai tây, cà rốt, bắp cải của Gia Lai, Đà Lạt, hoặc phía Bắc. Tại chợ Cồn, chợ Hàn, những loại rau thiết yếu đều tăng như rau muống bó lớn 7.000 đồng/bó (trước đây chỉ 4.000 đồng/bó), rau cải cay 10.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg), rau ngót, mồng tơi 4.000 - 5.000 đồng/bó, hành ngò tăng giá gấp 3 lần thường ngày.

Thấy chúng tôi thắc mắc về giá cả tăng lên, chị Hồng, chủ hàng rau ở chợ Đầu mối nói: “Mấy bạn hàng bán rau ở chợ nhỏ thường lấy hàng của tụi tôi về bán. Thấy tranh giành đắt đỏ như vậy, mấy bả mới nâng giá cao, chứ tụi tôi chỉ bán y giá cũ, đâu có tăng thêm”.

Các loại hải sản trong những ngày mưa ít thấy hàng tươi, chỉ có hải sản ướp đá, đông lạnh. Hầu hết các chợ vẫn có cá biển nhưng không nhiều. Chị Nguyễn Thị Bé, kinh doanh hàng cá chợ Đống Đa cho biết, mấy ngày trước, ngày nào chị cũng lấy từ 80-90kg cá về bán, nhưng do biển động, hiện chỉ lấy được chừng 40-50kg cá bên Thọ Quang. Các tàu lớn về tránh bão nhưng toàn bán đồ cũ (để lâu trên thuyền); hải sản loại 1, các nhà hàng, quán ăn lớn đã tranh mua hết. Một số hải sản khác hầu như không có như ghẹ, nghêu, nhưng thay vào đó là các loại tôm sông, cá đồng, ếch bày bán khá nhiều.

Đi chợ khó khăn

Tình trạng mưa lớn kéo dài gây khan hiếm thực phẩm không chỉ do vùng rau miền Trung bị ngập nước, tàu thuyền không ra khơi. Những ngày vừa qua, nhiều hộ kinh doanh cá, rau tại các chợ nghỉ bán, tránh lũ, nên người bán ít hơn và những người còn lại tung tin “mai mốt không có rau mà mua mô, giá lên từng ngày rồi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân thiếu hụt rau xanh là do các trận mưa lớn đã làm hư hại khoảng trên 200 hecta vùng rau Hòa Vang và ngoại thành Đà Nẵng. Ngoài giá rau tăng, cá tôm không biến động nhiều về giá mặc dù hiếm hàng tươi ngon hơn trước.

Mưa lớn, việc đi lại khó khăn, một số chợ trong nội và ngoại thành bị bao vây bởi biển nước như chợ Đống Đa, các lối dẫn vào chợ như Hải Hồ, Đống Đa nước ngập cả bánh xe máy. Người đi chợ buộc vất vả lắm mới xách được trên tay vài ba bó rau, mớ cá thịt. Đường lên chợ Túy Loan do bị ngập nhiều đoạn ngút bánh xe, hàng hóa từ thành phố lên chợ khó khăn. Nhiều gia đình phải chọn các loại thực phẩm khác thay thế như thực phẩm đóng hộp, trứng…

Theo dự báo, những ngày tới, trời vẫn tiếp tục mưa ở nhiều nơi. Cùng với việc sản xuất, đánh bắt hải sản gặp khó khăn, các vùng rau bị tàn phá, nhiều loại thực phẩm sẽ còn hiếm hơn và giá cả sẽ còn tăng cao. 

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.