.

Kéo thuyền trú bão

.

Phường Thọ Quang, quận Sơn Trà có tổng cộng 547 chiếc tàu thuyền đánh cá, trong đó 263 thuyền có công suất từ 20-90CV, 141 thuyền có công suất dưới 20CV... Từ trước đến nay tại bãi ngang, sau một đợt đánh bắt hải sản, các thuyền có công suất nhỏ được ngư dân hè nhau gánh lên bờ, thuyền có công suất lớn thì hoàn toàn trông cậy vào một chiếc máy kéo tự chế có tuổi thọ hơn 25 năm. Đến ngày biển động, có bão thì hàng chục chủ thuyền phải tranh giành nhau để được máy kéo thuyền lên bờ trú bão.

25 năm oằn mình kéo thuyền

Ngư dân chung vai khiêng thuyền vào bờ tránh bão.

Đà Nẵng bắt đầu một ngày biển động, tại bãi ngang, rải rác từng tốp hàng chục ngư dân hè nhau gánh những thuyền nhỏ lên bờ trú bão. Ông Lê Đình Tảo cũng có mặt trên bãi biển từ rất sớm để kiểm tra máy móc, tra dầu mỡ… cho chiếc máy kéo thuyền duy nhất ở bãi ngang này đã thọ hơn 25 năm tuổi. Ông Tảo vừa chỉ vào từng bộ phận của chiếc máy kéo vừa cho hay: “Động cơ là máy thủy có công suất 20CV; tời thì được mua ở chợ trời có thể kéo được 50 tấn; hộp số được lấy ra từ một chiếc xe tải cũ của Mỹ; còn vô-lăng, lốp… tất cả đều được tận dụng từ các chiếc xe cũ hoặc ra chợ trời mua về, tự chế thành chiếc máy kéo thuyền”.
 
Hơn 25 năm mưu sinh với nghề kéo thuyền, bao chiếc thuyền được ông Tảo và em trai ông kéo lên bờ, sơn sửa, rồi kéo xuống biển và ra khơi. Ngày thường, với ít người thì nếu nhanh cũng mất 30 phút (chưa kể thời gian gá thuyền lên giá nề) để kéo một chiếc; ngày mưa bão có đông người và các phương tiện kỹ thuật của phường, quận, Vùng 3 Hải quân, Bộ đội Biên phòng… xuống hỗ trợ thì cũng mất 15 phút. Ngày thường ông Tảo chỉ kéo 7-10 chiếc, nhưng vào ngày mưa bão cố gắng lắm cũng chỉ kéo được 25-35 chiếc thuyền lên bờ.
 
“Nghề ni vất vả lắm chú ơi, mỗi chiếc thuyền kéo lên được chủ thuyền trả cho 200-250 ngàn đồng, sau khi trừ 2-3 lít dầu diesel, tiền công của các công nhân, thì mỗi ngày kiếm được chừng ba trăm ngàn. Máy kéo thì chỉ có một, trong khi đó, ngày có bão thì nhu cầu kéo cả trăm chiếc, thế là các chủ thuyền tranh giành nhau để được kéo. Có lần mấy anh Công an phường phải cho các chủ thuyền bắt thăm để được kéo theo thứ tự” – ông Tảo cho hay. Ngoài kéo thuyền cho ngư dân Thọ Quang, chiếc máy kéo của ông Tảo còn kéo cả thuyền đánh cá của các tỉnh bạn hoặc các tàu bị tấp vào bờ.

Cần có thêm hệ thống kéo thuyền

Ông Lê Đình Tảo bên chiếc máy kéo thuyền tự chế miệt mài giúp ngư dân kéo thuyền suốt 25 năm qua.

 

Theo ông Lê Văn Soạn – Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, mỗi khi có gió, bão, tàu thuyền của ngư dân trong phường đang đánh bắt ngoài khơi sẽ tập kết về âu thuyền Thọ Quang và bãi ngang. Vùng bãi ngang không phải là nơi tránh trú chuyên dụng như âu thuyền Thọ Quang nên ngư dân chỉ có cách kéo thuyền lên bờ.
 
Hiện tại, ở đây ngoài hệ thống tời kéo của ông Tảo, còn có 2 hệ thống tời kéo do UBND thành phố đầu tư trong năm 2008, giao cho phường quản lý, sử dụng, kịp thời kéo các tàu nhỏ. Các hệ thống kéo thuyền này hoạt động có hiệu quả nhưng không đáp ứng hết số lượng tàu thuyền hiện có. Dù mỗi khi có gió bão đến, phường đều thông báo cho ngư dân đưa thuyền về neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang cho an toàn, nhưng cũng có nhiều thuyền từ ngoài khơi về phải tấp vào ngay khu vực bãi ngang.

Từ bãi ngang vào âu thuyền phải mất 5-6 giờ, khá tốn kém nhiên liệu, đặc biệt phải qua khu vực mũi Nghê rất nguy hiểm, có nhiều trường hợp thuyền bị lật chìm, nên nhiều thuyền đang hoạt động ở phía Nam phải đành vào neo đậu ở bãi ngang. Mặt khác, việc kéo tàu lên bờ trú bão thường được thực hiện 1 ngày trước khi bão đổ bộ vào, trong khi đó phường Thọ Quang có tới hàng trăm tàu thuyền trú lại tại bãi ngang, trong đó có khoảng 100 chiếc phải cần máy kéo.
 
Nhưng một ngày cật lực cũng chỉ kéo được khoảng 50 chiếc, còn lại hàng chục chiếc phải nằm dưới nước, không bảo đảm an toàn khi có bão. Do đó, cần thêm một hệ thống gồm 1 bộ tời và 8 giàn nề mới có thể bảo đảm kéo hết tàu thuyền lên bờ an toàn trước khi bão đổ bộ vào.

Vừa qua, quận Sơn Trà đã lập tiểu dự án xin hỗ trợ một hệ thống kéo tàu cá dưới 30CV và đại diện Dự án “Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” (ACCCRN) có về khảo sát và làm việc tại phường Thọ Quang về tiểu dự án này. Tuy nhiên, nếu dự án trên có hỗ trợ thì sớm nhất cũng phải đầu năm sau, còn ở mùa mưa bão năm nay mong thành phố và các sở, ngành, Bộ đội Biên phòng, Vùng 3 Hải quân quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, cùng với địa phương bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân.

Hằng năm có rất nhiều tàu thuyền của ngư dân Sơn Trà bị hư hại nặng nề trong mùa mưa bão. Cơn bão số 1 năm 2008 tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nhưng đã gây sóng lớn ở ven bờ, làm thiệt hại cho 17 thuyền nhỏ của ngư dân phường Thọ Quang và Mân Thái. Đặc biệt bão số 6 năm 2006, toàn quận có 414 tàu thuyền bị hư hỏng, nhấn chìm...


Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.