.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9

.

(ĐNĐT) - Tại cuộc họp khắc phục hậu quả bão số 9 sáng 30-9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ yêu cầu các ngành, địa phương cần triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả của bão đồng thời đối phó với lụt do nước lên nhanh. Các ngành điện lực, cấp nước khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục hoạt động bình thường

Công ty Môi trường đô thị thành phố huy động toàn bộ lực lượng cùng người dân dọn vệ sinh sau bão (Ảnh: ĐNĐT)

    Sáng nay, 30-9, tại cuộc họp bàn khắc phục hậu quả bão số 9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ đã biểu dương lãnh đạo các ngành, địa phương đã nhanh chóng, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống bão theo kế hoạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Dựng lại nhà sau khi tan hoang sau bão. ẢNh: ĐNĐT

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão thành phố và các địa phương, đến sáng ngày 30-9, toàn thành phố đã có 4 người chết và 10 người bị thương; 33 nhà bị sập hoàn toàn, 64 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 181 nhà sập một phần, 1.474 nhà tốc mái một phần, 4.950 nhà bị ngập.

Nhiều tuyến đường bị sạt lở, trong đó tuyến ĐT 604 bị tắc hoàn toàn; một số công trình hồ chứa nước bị hư hại; nhiều bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng; 4 tàu thuyền bị chìm và 2 tàu mắc cạn…
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh yêu cầu các ngành, địa phương thống kê, nắm chắc số người chết và bị thương, nhà bị thiệt hại…để thành phố động viên, hỗ trợ kịp thời. Trước mắt, thành phố hỗ trợ cho mỗi người chết 3 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng, nhà sập hoàn toàn 5 triệu đồng…Các địa phương cũng tập trung sửa chữa nhanh nhà ở cho nhân dân; sửa chữa các phòng học bị tốc mái để học sinh đến trường; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, chống tăng giá tùy tiện. 

    Đối phó với lụt do nước lên nhanh, huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ cần kịp thời di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn và có phương án hỗ trợ nhân dân có đủ điều kiện sinh hoạt. Các đơn vị liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận và phân phối hàng viện trợ khắc phục hậu quả của bão, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, công bằng và hợp lý.

Điện đã bắt đầu cấp lại

Theo thống kê của ngành điện, thiệt hại do bão gây ra ước tính khoảng 3,5 triệu Kw. Trong hai ngày 28 và 29-9 đã mất điện và buộc phải cắt điện để bảo đảm an toàn trên toàn địa bàn. Do mất điện nên 100% các cơ sở sản xuất đã phải nghỉ việc. 

Đến trưa 30-9, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đã có điện trở lại. 100% các bệnh viện, các trường học (trừ một số xã của huyện Hòa Vang do ách tắc giao thông và sự cố đường dây chính) đã được cấp điện đầy đủ. Riêng khu vực quận Ngũ Hành Sơn, do có quá nhiều trụ điện bị ngã đổ và hệ thống đường dây hạ thế đang được thi công, nhất là khu vực gần đường Lê Văn Hiến nên việc khắc phục sự cố có khá khăn. Tuy nhiên, Điện lực Đà Nẵng sẽ sử dụng các đường dây thay thế, phấn đấu cấp điện sớm nhất, đảm bảo có điện cho sinh hoạt và sản xuất.

Ngành điện khắc phục sự cố sau bão (Ảnh: ĐNĐT)

Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cho biết, tại KCN Liên Chiểu và KCN Hòa Khánh có 19 doanh nghiệp bi hư hại nhẹ, 16 doanh nghiệp bị tốc mái (bay tôn) của một số khu nhà làm việc; không có thiệt hại về người và tài sản. Đến trưa 30-9, do mất điện nên hầu hết các đơn vị tại các khu công nghiệp chưa đi vào sản xuất.

Hàng không, tàu lửa đã lưu thông bình thường

Ông Đỗ Thái Lân, Phó Trưởng Ga Đà Nẵng cho biết, các đoàn tàu đã lưu thông bình thường; tuy nhiên do các đoàn tàu chạy tăng cường sau khi bị mắc kẹt ở Trung Trung Bộ nên giờ tàu đến và đi tại các ga có thể chậm vài giờ đồng hồ. Sự cố sạt lở tại khu Kim Liên – Thanh Khê cũng đã được khắc phục, hiện không có đoàn tàu nào mắc kẹt tại Ga Đà Nẵng.

Sây bay Quốc tế Đà Nẵng đã hoạt động trở lại. Vietnam Airlines thông báo sẽ tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu hành khách bị mắc kẹt tại miền Trung trong 2 ngày 28 và 29-9. Hãng Jetstar Pacific cũng cho biết, các chuyến bay từ 30-9 vẫn tiến hành bình thường, hành khác bị hoãn chuyến do bão số 9 sẽ được liên lạc để thu xếp bay vào các chuyến sớm nhất.

Trong lúc đó, các chợ trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại. Khảo sát cho thấy, giá thịt bò, thịt lợn tăng khoảng 20 ngàn đồng/kg; rau xanh càng khan hiếm do các xe tải chở hàng không từ miền Nam và Tây Nguyên không thể xuống miền Trung do giao thông chia cắt. Các nhà hàng, quán ăn đã mở cửa trở lại, một số ít trường hợp tăng giá nhẹ không đáng kể.

Nhóm PV ĐNĐT

;
.
.
.
.
.