Theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, dự kiến các ngành du lịch, dịch vụ (DLDV), công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ ô-tô, hàn công nghệ cao và môi trường sẽ được ưu tiên phát triển hàng đầu. Vì thế, hiện nay các lĩnh vực trên thu hút khá nhiều lao động.
Du lịch, dịch vụ và hàn: “hot” nhất hiện nay
Lĩnh vực thương mại dịch vụ thu hút nhiều lao động. TRONG ẢNH: Nhân viên bán hàng tại cửa hàng trang sức. |
Từ năm 2010, cơ cấu kinh tế thành phố sẽ dịch chuyển mạnh theo hướng phát triển lĩnh vực Thương mại và Du lịch. Theo kế hoạch, trước mắt nhằm đáp ứng nhu cầu lao động thực thế của thị trường, DLDV giữ ngôi vị số 1 về mức độ cần thiết. Trong vài năm gần đây, lao động tham gia lĩnh vực này đã tăng dần, chuẩn bị đón đầu xu hướng phát triển chung.
Năm 2009, các cơ sở đào tạo nghề trên toàn thành phố ước tuyển 34 nghìn học viên. Trong đó, riêng DLDV chiếm 11,28% số lượng người học nghề của năm học này. Được biết, DLDV chỉ là 1 trong 88 ngành nghề đào tạo. Trong tương lai, theo quy hoạch dài hạn của thành phố, ngành DLDV vẫn độc chiếm vị trí số 1 theo thứ tự ưu tiên.
Mặc dù là ngành “hót” hiện nay, nhưng nghề hàn công nghệ cao (6G) nhiều năm liền thiếu vắng người học. Dù mức lương của thợ hàn (tùy bậc) có thể dao động từ vài triệu đến trên chục triệu đồng/tháng, nhưng số người chọn ngành này ít hơn nhiều so với các ngành khác.
Ông Phan Văn Sơn, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB-XH thành phố nói: “Chúng tôi đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như học viên sẽ được Nhà nước hỗ trợ học phí theo đơn đặt hàng… Người học dễ dàng có việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường với mức thu nhập thuộc loại “trong mơ”. Nhưng các năm qua và kể cả năm nay, rất hiếm hồ sơ có hộ khẩu Đà Nẵng đăng ký ngành hàn”.
Học nghề: rộng đầu ra
Thành phố Đà Nẵng hiện có 49 cơ sở đào tạo nghề; hằng năm đào tạo cho 2,5 đến 3 vạn người, ở 145 ngành nghề. |
Hiện nay, Đà Nẵng có 5 khu công nghiệp đang sử dụng khoảng 36 nghìn lao động, trong đó có gần 15 nghìn lao động qua dạy nghề. Trong giai đoạn 2006-2010, các khu công nghiệp cần khoảng trên 27 nghìn lao động các trình độ.
Dự báo, nhu cầu lao động qua dạy nghề ở các trình độ cần thiết để đáp ứng cho sự tăng trưởng GDP bình quân từng giai đoạn vào khoảng 132.953 người (năm 2010), 255.871 người (năm 2015) và 478.209 người (năm 2020).
Ông Phan Văn Sơn cho biết, những con số trên phản ánh sự bức thiết về nguồn lao động qua đào tạo trong thời gian tới. Chính vì thế, chú tâm học nghề là một trong những con đường rộng mở để thanh niên tạo dựng sự nghiệp vững vàng cho tương lai.
Bài và ảnh: THU HOA