.

Lớp học của thầy giáo quân hàm xanh

.

Thực hiện chủ trương của thành phố, những năm qua Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, đặc biệt là Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức hàng chục lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, đem ánh sáng văn hóa đến cho người dân lao động nghèo ở các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu…

Những thầy giáo quân hàm xanh với lớp học chống tái mù chữ.

Hành trình đem cái chữ đến với người nghèo của những thầy giáo quân hàm xanh cũng lắm gian nan; bởi học viên thuộc nhiều đối tượng, từ thợ phụ hồ, đục đá đến bán vé số, xe thồ... lại ở cách xa nhau, đa số lớn tuổi, nên việc tuyên truyền, vận động, tổ chức lớp học và truyền thụ kiến thức hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, họ luôn có những mặc cảm tự ti khi đến lớp. Nắm bắt được tâm lý đó, các lớp học đều được các anh Bộ đội Biên phòng tổ chức tại hội trường  của các khu dân cư hoặc ngay tại nhà dân.

Theo chân Thượng úy Thiều Tàu - Đội phó Đội vận động quần chúng (người có thâm niên nhất dạy chữ cho người nghèo của Đồn BP 256), chúng tôi đến thăm lớp học ở nhà chị Phạm Thị Hà, tổ 19, Mỹ Đa Tây (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn). Thượng úy Tàu cho biết, đây là lớp mức 3 (trình độ tương đương lớp 3). Lớp học có 28 người, đa số độ tuổi từ 36-45, đều đã lập gia đình và rất khó khăn về đời sống. Công việc mưu sinh hằng ngày với bao nỗi lo toan của học viên khiến cho việc học tập của họ luôn bị gián đoạn.

Những lần như vậy, anh và đồng đội đến tận từng nhà động viên họ tới lớp. Đối với những trường hợp có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, phải bỏ học nửa chừng, anh đến nhà tìm hiểu, báo cáo đơn vị hỗ trợ gạo, mắm và quần áo, chăn màn. Có hôm mưa gió, các anh còn phải gồng mình giúp dân chằng chống nhà cửa. Lắm hôm nhà học viên có công chuyện, Đồn BP 256 lại cử lực lượng xuống giúp việc gia đình để họ đi học...

Cảm động trước những việc làm cao đẹp ấy, nhiều học viên đã cố gắng tới lớp. Nhờ đó, đến nay đa số học viên đều đọc thông, viết thạo và làm được những phép tính đơn giản. Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Hà phấn khởi cho biết: “Vợ chồng làm phụ hồ quanh năm, không được học hành. Khi mới vào lớp, tôi không biết chữ gì, nhưng nhờ các anh Bộ đội Biên phòng tận tình giúp đỡ, đến nay tôi đã thoát mù chữ rồi. Các anh ấy còn cho tôi báo để đọc nữa. Tôi phải cố gắng học tập tốt để khỏi phụ công ơn Bộ đội Biên phòng và làm gương cho con cháu“.

Thượng tá Bùi Thanh Thể-Chính trị viên Đồn BP 256 cho biết: Năm 2007, Đồn mở 5 lớp xóa mù chữ cho 75 học viên, được UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen và chọn đơn vị báo cáo điển hình trong Đại hội Thi đua quyết thắng. Chúng tôi phấn đấu từ nay đến năm 2010 sẽ hoàn thành nốt chương trình xóa mù chữ cho tất cả các đối tượng người nghèo còn lại trong địa bàn quận Ngũ Hành Sơn”.

Chúng tôi chia tay những người lính mang quân hàm xanh trong chiều hè lộng gió. Phố phường Đà Nẵng nhộn nhịp người, xe buổi tan tầm. Cuộc sống thành phố nơi “đầu biển, cuối sông” này vẫn bình yên. Nhưng chúng tôi biết, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, để người dân yên tâm xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa, người chiến sĩ Biên phòng lại phải đối mặt với bao khó khăn, gian khổ đang đợi chờ phía trước.
 
Bài và ảnh: BÁ VĨNH

;
.
.
.
.
.