.

Miền Trung – Tây Nguyên: Giao thông, thủy lợi, nông nghiệp thiệt hại nặng do mưa lũ

.

* 8 người chết và mất tích, 9 người bị thương  * 13.970ha lúa bị ngập, ngã đổ  
* Lũ các sông từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi tiếp tục lên

(ĐNĐT) - Chỉ trong 1 ngày, con số thống kê thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung – Tây Nguyên đã tăng nhanh về số người chết và mất tích; về hoa màu và công trình.
    
        
>> Mưa lớn, thành phố tiếp tục ngập lụt
        >> Dốc Kiền sạt lở nghiêm trọng, phát sinh nhiều điểm ngập mới
        >> Nhìn từ trận ngập lụt
        >> 2 người thiệt mạng do mưa lũ
        >> Nhiều nơi trong thành phố bị ngập nặng
        >> Học sinh nghỉ học vì trường ngập

13.970ha lúa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên bị ngập, ngã đổ. Ảnh ĐNĐT

Ông Lê Minh Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) khu vực miền Trung – Tây Nguyên (thuộc Cục Quản lý đê điều và PCLB, Bộ NN-PTNT) cho hay, tính đến sáng 8-9, trên địa bàn đã ghi nhận thêm một trường hợp bị mất tích. Đó là ông Đinh Văn Thông (người dân tộc Cơtu, trú tại thôn Lấy, xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam).

Ông Thông là cán bộ nông lâm xã Tư. Vào lúc 18g ngày 7-9, trên đường từ cơ quan về nhà, khi qua cầu thôn Lấy thì ông Thông bị mưa lũ cuốn trôi mất tích. Hiện UBND huyện Đông Giang đang chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực tìm kiếm nạn nhân. Như vậy đến nay, trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên đã có 4 người thiệt mạng, 4 người mất tích và 9 người bị thương.

Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã điều động 3 tàu tìm kiếm nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tìm được tông tích chiếc tàu đánh cá QNg 50791TS công suất 39CV của ông Trịnh Thanh Đào (quê ở Bình Hải, Bình Sơn) có 2 lao động bị mất tích khi đang trên đường từ Bãi Ngang vào cửa Sa Cần tránh trú.

Chiếc sà lan cầu cát của Công ty Chung Guang bị đứt neo trôi dạt cách cửa Mỹ Á (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) khoảng 3,5 hải lý, được Bộ đội Biên phòng phát hiện, báo cho Công ty cổ phần Sapia Quốc tế lúc 8h ngày 4-9, đến 14h cùng ngày thì không còn thấy chiếc sà lan này ở tại vị trí được phát hiện và cho đến nay vẫn chưa có tung tích gì.

Ông Lê Minh Nhật cho hay, trong ngày 7-9, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 4h ngày 7-9 đến 4h ngày 8-9 phổ biến từ 50 – 80mm, thậm chí có một số nơi trên 200mm như Hòa Bắc (Đà Nẵng) 205mm, Thượng Nhật (Huế) 215mm, Câu Lâu (Quảng Nam) 257mm, Cù lao Chàm (Quảng Nam) 310mm…

Trong đêm qua 7-9, lũ trên sông Hương (Thừa Thiên-Huế) và các sông thuộc tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông đã đạt đỉnh gần mức báo động 3, riêng tại Đăk Nông trên báo động 3 và đang xuống. Tuy nhiên, lũ trên sông Bồ và các sông từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi lại đang lên. Mực nước lúc 4h sáng 8-9 trên sông Bồ, sông Vu Gia, sông Trà Khúc và sông Vệ đều trên báo động 1, sông Hương và sông Srêpok trên báo động 2…

Không chỉ gây thêm thiệt hại về người, trận mưa lũ lớn xảy ra trong ngày hôm qua 7-9 còn khiến thiệt hại về giao thông, thủy lợi và nông nghiệp của các địa phương trong khu vực thêm nghiêm trọng. Chỉ trong 1 ngày, toàn khu vực đã ghi nhận thêm 5.500m3 đất đá của các tuyến giao thông bị sạt lở, bồi lấp, tăng đến 2.820% so với thống kê trong ngày trước đó.

Tương tự, trên lĩnh vực thủy lợi, nếu ngày 7-9 chỉ mới ghi nhận công trình nhỏ, đập tạm bị vỡ, hư hỏng thì đến sáng 8-9, con số này đã tăng lên 16. Đặc biệt, khối lượng đê kè bị sạt lở đã tăng lên 18.300m3 so với 200m3 được thống kê trước đó 1 ngày, tăng 9.150%. Trên lĩnh vực nông nghiệp, nếu ngày 7-9 ghi nhận có 11.617ha lúa bị ngập, ngã đổ thì đến sáng nay đã tăng lên 13.970ha; diện tích rau màu các loại bị ngập, hư hại cũng tăng từ 5.411ha lên 8.990ha…

Ông Lê Minh Nhật cho biết, hiện chỉ mới có 2 địa phương tạm thống kê về giá trị thiệt hại là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tuy nhiên, con số này cũng tăng vọt từ 20 tỷ ngày 7-9 lên 51 tỷ đồng vào sáng 8-9. Nếu thống kê đầy đủ các địa phương trong khu vực thì con số thiệt hại sẽ còn lên đến gấp nhiều lần.

Điều đáng nói là mặc dù tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên nhưng công tác trực ban PCLB theo chỉ đạo tại các Công điện của Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ở một số địa phương lại tỏ ra chểnh mảng.

Điển hình như ở tỉnh Gia Lai, một số huyện không bố trí trực ban PCLB trong hai ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật vừa qua (chỉ có 2 huyện AyunPa và Đức Cơ có bố trí người trực) nên Sở NN-PTNT tỉnh chưa thể thống kê đầy đủ số liệu thiệt hại và tất nhiên cũng khó có thể chỉ đạo triển khai các biện pháp xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Xuất hiện vùng áp thấp mới

Hồi 16 giờ ngày 8-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định khoảng 120 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng giữa Đông và Đông Đông Nam, mỗi giờ đi được khoảng 3 – 5km, có khả năng suy yếu và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định và phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra, trên khu vực Bắc biển Đông, một vùng áp thấp trong dải hội tụ nhiệt đới mới hình thành. Hồi 16 giờ ngày 8-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16 – 17 độ Vĩ Bắc, 117,5 – 118,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp mạnh cấp 5. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực Giữa và Nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

(Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)


Cẩm An

;
.
.
.
.
.