.

Mít tinh trọng thể kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

.

* Lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chủ tịch

Nhân kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1-9, Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn đại biểu do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm dẫn đầu. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Tiếp đó, các Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cán bộ lão thành cách mạng tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Đoàn cũng đã đặt vòng hoa, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ”.

* Sáng 1-9, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Lễ kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Tới dự có các đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lão thành Cách mạng, đại diện các Mẹ Việt Nam anh hùng và đông đảo các tầng lớp nhân dân thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, Cách mạng tháng Tám là một sự kiện lịch sử trọng đại, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của đất nước và dân tộc ta. Trải qua 64 năm, những thắng lợi to lớn của Cách mạng Việt Nam là minh chứng hùng hồn cho những bài học mang tính chân lý mà Đảng ta đã nêu lên, đó là độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay là kết quả của sự kết hợp đúng đắn sức mạnh của dân tộc đã được lịch sử đấu tranh quật cường hàng nghìn năm hun đúc cùng với sức mạnh của thời đại.

Tổng Bí thư nêu rõ, trong suốt quá trình cách mạng rực rỡ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử. 24 năm sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng và để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản tổng kết thực tiễn kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng và phương hướng phát triển của dân tộc, đồng thời thể hiện cô đọng nhân cách của vị lãnh tụ, Anh hùng Giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Di chúc kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn văn được viết ra đều là kết quả của sự suy ngẫm, chắt lọc sâu sắc tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của Người, là một chương trình hành động trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước sau khi nước nhà thống nhất. Di chúc cũng thể hiện tình thương yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tất cả mọi người, từ mỗi người dân Việt Nam đến bạn bè trên thế giới.

Từ trái tim mình, Bác viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Kết thúc bản Di chúc, Bác nói đến điều mong muốn cuối cùng: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Cuối bài phát biểu, Tổng Bí thư nhấn mạnh, sự nghiệp đổi mới trong những năm tới có nhiều thời cơ, thuận lợi, đồng thời cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển của toàn Đảng, toàn dân ta chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp bước con đường cách mạng vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và dân tộc ta đã lựa chọn.

Cổng TTĐT Chính phủ

;
.
.
.
.
.