* Sơ tán dân khỏi vùng ngập nặng * Sạt lở nghiêm trọng ở Dốc Kiền
Mưa lớn kéo dài trong suốt những ngày qua, đặc biệt là hôm qua 7-9, đã khiến hàng loạt trục giao thông chính của thành phố ngập sâu trong nước. Hầu như tất cả các tuyến đường bị ngập nặng những năm trước đây như Đống Đa, Quang Trung, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Phan Châu Trinh… nay lại tiếp tục bị ngập, thậm chí là ngập sâu hơn những năm trước.
Nước ngập đến 0,6 m ở đường vào KCN Hòa Khánh khiến nhiều xe tải bị chết máy.Ảnh: HẰNG VANG |
Đặc biệt, toàn bộ tuyến đường Hàm Nghi đã bị ngập trắng, ngang với mực nước của hồ Vĩnh Trung-Thạc Gián tràn ra đường, khiến tất cả những con đường xung quanh hồ và những đường “xương cá” tại khu vực này đều bị ngập sâu trong nước. Theo những người dân sống tại khu vực này cho biết, mức nước ngập chỉ thua năm lụt lịch sử 1999.
Không những thế, lần này lượng nước lên rất nhanh và gần như không rút xuống bao nhiêu mỗi khi trời tạnh mưa như những năm gần đây. Các trục đường Quang Trung, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… cũng bị ngập cục bộ, khiến lưu thông gặp nhiều khó khăn. Ngay trong những trận mưa đầu tiên, cả khu vực xung quanh hồ Đầm Rong I đã bị ngập, có nhà ngập sâu khoảng 0,5m.
Là quận trung tâm của thành phố, nhưng người dân nhiều khu dân cư trên địa bàn quận Hải Châu cũng không thoát khỏi cảnh ngập lụt. Chị Nguyễn Thị Lan, tổ 11 phường Thanh Bình cho biết: Trận mưa lớn và kéo dài, nước lên cao ngập vào nhà 0,5m.
Đồ đạc thì cứu được nhưng gần 100 hộ dân trong tổ khổ nhất là nguồn nước hôi nồng nặc do những lò làm bún thải ra hồ 2 Đa Phước dâng cao tràn vào nhà. Hàng trăm hộ dân của tổ 17B phường Thuận Phước gần đó cũng bị nước tràn vào nhà. Tại tổ 25 phường Thanh Khê Tây và tổ 34 phường Thanh Khê Đông, người dân sống gần sông Phú Lộc đều xót xa trước cảnh hơn 100m hành lang bờ kè gần cầu Phú Lộc sụt lún nặng do mưa lớn liên tục mấy hôm.
Mưa lũ cũng gây sạt lở nhiều tuyến đường, điển hình như tuyến ĐT 604 bị sạt lở tại khu vực Dốc Kiền (thuộc huyện Hòa Vang) làm gián đoạn giao thông từ huyện Đông Giang (Quảng Nam) ra thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, mưa lũ còn gây thiệt hại nặng cho nhiều DN, đặc biệt là các DN trong KCN Hòa Khánh do nước ngập đến khu vực sản xuất.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH TM & Chuyển giao công nghệ K&H cho biết: Trận mưa lớn vừa qua đã làm hư hại của DN hàng chục thiết bị, máy móc (trị giá gần 300 triệu đồng), gồm máy tiện, bào, mô-tơ, ô-tô, máy vi tính, máy in, fax... trong đó có nhiều máy DN chế tạo theo đơn đặt hàng của khách.
Mưa lớn không ngớt chiều hôm qua (7-9) lại tiếp tục làm ngập nhiều điểm trên địa bàn Liên Chiểu như đường vào Khu Công nghiệp Hòa Khánh, đoạn từ Bệnh viện Tâm thần đến Bưu điện Đà Nẵng 2, đoạn ngang Trường THPT Nguyễn Trãi… Đặc biệt, đường Nguyễn Chánh với nhiều ổ voi ngập sâu đến 0,6m khiến không ít người điều khiển xe máy, xe đạp té ngã.
Theo báo cáo của UBND quận Liên Chiểu, tính từ ngày 2-9 đến nay, toàn quận có đến 820 hộ dân bị ngập, gây thiệt hại nhiều tài sản. Nhiều khu vực trên địa bàn như tổ 31 Hòa Minh, tổ 54 Phước Lý… bị ngập đến 1,4m; ở vùng Đà Sơn, Hòa Khánh Nam, có gần 160 hộ ngập từ 1-2m, nhiều hộ bị cô lập trong nước, nên UBND quận phải bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ sơ tán dân vào Trường Công nhân bưu điện, UBND các phường để bảo đảm an toàn tính mạng. Đến chiều tối ngày 7-9, vẫn còn khoảng 130 hộ bị ngập nặng.
Theo Công ty Quản lý công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng, toàn thành phố có 20 điểm ngập nặng trên đường phố và 30 điểm ngập lớn trong khu vực dân cư. Có 2 điểm ngập nặng mới phát sinh trong cơn mưa ngày 7-9, đó là khu vực Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) ngập hơn 30cm và khu vực ngã ba Cơ khí (gần hồ Bàu Tràm) ngập 50cm. Để khắc phục tại chỗ tình hình ngập úng, công ty đã huy động 60 công nhân đến tất cả các điểm ngập úng nặng, tiến hành khơi thông cống rãnh để thoát nước.
Vận chuyển gỗ lậu lên xe tải ở dốc Kiền. Ảnh: Lục Ngạn |
Chiều 7-9, đường ĐT 604 khu vực qua dốc Kiền bị sạt lở gây ách tắc giao thông kéo dài. Xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng với xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đứng trước nguy cơ bị chia cắt.
Người dân tại khu vực này cho biết, mưa lớn bắt đầu gây sạt lở khu vực dốc Kiền từ ngày 3-9, từ đó đến nay, việc đi lại của người dân từ TP Đà Nẵng lên huyện Đông Giang, Tây Giang qua khu vực này rất khó khăn và nguy hiểm. Tại hiện trường, một xe múc của Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước thành phố Đà Nẵng vẫn không thể khắc phục xong sự cố.
Đất đá liên tiếp theo nước mưa ào ào đổ xuống che lấp mặt đường ĐT 604, đoạn bùn lầy sâu nhất khoảng 30cm. Hai ô tô chết máy, sa lầy ngay tại tâm điểm sạt lở đã khiến giao thông ngưng trệ, các ô tô khác xếp hàng chờ ở hai đầu khu vực sạt lở. Nhiều người điều khiển xe gắn máy liều lĩnh băng qua dòng nước cùng với bùn lầy đang chảy xối xả, cộng với đất đá liên tục đổ xuống từ sườn dốc Kiền. Điều đáng nói là mặc cho tình trạng trên kéo dài đã gần một tuần qua mà cơ quan chức năng vẫn để cho người dân qua lại bất chấp nguy hiểm.
Lợi dụng mưa to và sạt lở, lực lượng lâm tặc tại khu vực dốc Kiền tiến hành vận chuyển gỗ lậu. Bất chấp nguy hiểm, đội quân này thả gỗ từ đỉnh dốc trượt theo dòng nước và bùn đất cho đồng bọn chờ sẵn bên dưới mang lên xe tải biển kiểm soát 43S – 2940 rồi tẩu tán.
Trong khi đó, ông Trương Văn Lạch - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Phú lại phân trần rằng trước đó không hề có tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép do kiểm lâm Quảng Nam và Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ. “Lâu lâu mới có một xe gắn máy vận chuyển một đoạn gỗ ngắn, nhưng do trời mưa nên anh em kiểm lâm sơ hở, thả cổng barie, xe lợi dụng chạy qua…” - Ông Lạch còn giải thích thêm là do mưa lớn, chốt barie bị sự cố nên không thể đóng được.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động rất phức tạp trên vùng biển cách bờ khoảng 120km từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi. 1 giờ sáng nay (8-9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,9 độ vĩ Bắc, 110 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (tức là từ 39- 49 km/giờ, giật cấp 7) và ít di chuyển. |
THANH VÂN, TRỌNG HÙNG, HẰNG VANG, NGUYỄN CẦU, LỤC NGẠN