.

Mưu sinh nơi cảng cá

.

Lâu nay người ta quen nói đến sự vất vả của những phụ nữ làm thuê, gánh mướn ở các cảng cá mà quên mất những chàng trai suốt ngày vất vả lăn lộn với cuộc sống nơi đây.

Phận làm thuê, gánh mướn...

Dù nhọc nhằn nhưng vì mưu sinh, nhiều người vẫn xin được gia nhập vào đội ngũ bốc xếp ở cảng cá.

Thi trượt Đại học, được sự giới thiệu của người quen, Nguyễn Công Sáng (SN 1991) quê ở Hà Tĩnh vào làm thuê cho một chủ nậu tên H. tại cảng cá Thọ Quang. Từ 11 giờ đêm đến 9 giờ sáng hôm sau, công việc chính của Sáng cùng 7 lao động khác là bốc xếp cá vào kho, đưa lên ô-tô mỗi lúc có tàu cá cập cảng. 13 giờ ra cảng bán hàng đến 16 giờ mới được nghỉ.

Sau hơn 2 tháng, Sáng quen dần với công việc, cũng đồng nghĩa với việc quen mùi hôi tanh mà ngày đầu mới đến không tài nào ngửi được. Sáng cho biết: “Trung bình một ngày mỗi người trong nhóm em bốc xếp khoảng 500kg cá. Ngoài tiền ăn, ở đã được chủ bao, còn nhận được 2 triệu đồng/người/ tháng”.

Không làm nghề bốc xếp cá như Sáng, Đinh Thanh Vương (SN 1990) đầu quân cho một kho đá tại cảng đã được 2 năm. Cũng như Sáng, bất cứ lúc nào chủ tàu có nhu cầu mua đá là Vương cùng các đồng nghiệp sẵn sàng có mặt. Vương cho biết, không phải ai cũng làm được công việc này, vì nặng nhọc và nguy hiểm; nếu không cẩn thận rất dễ bị đá đè dập ngón tay, ngón chân. Có người còn bị trượt chân, rớt xuống hầm đá phải vào bệnh viện cấp cứu. Ở đây, trung bình một ngày mỗi người bưng, rút gần 150 cây đá (mỗi cây nặng 50kg). Không những thế, khi giao hàng phải đúng thời gian của chủ tàu nên không rời công việc được. 

Được biết, tại cảng cá Thọ Quang,  thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 27 từ các tỉnh, thành khác đến làm việc rất đông, trong đó đa số đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Ninh Bình… Mỗi chủ nậu có trong tay từ 5 đến 7 lao động loại này. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nặng, điều kiện môi trường không bảo đảm, không có chế độ bảo hộ lao động nên ít người bám trụ lâu dài với nghề. Phần lớn lao động chỉ làm theo thời vụ.

“Làm nghề này về già mới phát bệnh”

Theo lời kể của nhiều công nhân tại cảng cá, mặc dù làm việc trong điều kiện môi trường độc hại, rất dễ phát sinh bệnh tật, nhưng phần lớn người lao động ở đây khi làm việc chỉ có đôi ủng đi chân. Khi được hỏi vì sao không mua găng tay cho tiện làm việc, Sáng hồn nhiên trả lời: “Một đôi găng tay phải 10 ngàn, mua tốn tiền lắm.
 
Với lại làm dần nó cũng quen”. Được biết, sau một thời gian làm việc, nhiều người đã mắc phải những căn bệnh như viêm khớp, đau lưng, viêm xoang, viêm loét chân tay, ghẻ, tiêu chảy. Ngồi trong căn buồng trọ nằm ngay trong kho cá bốc mùi hôi tanh, anh Trần Sự, 28 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, tâm sự: “Bất đắc dĩ mới làm nghề này, chứ nói thật, không ai muốn đâu. Đôi lúc về với vợ con còn “ngại” huống gì gặp gỡ ai”.

Căn trọ của anh rộng chưa đến 50 mét vuông nhưng có đến 8 người ở. Lúc đau ốm chỉ mấy anh em lo cho nhau, chủ thì cũng chỉ có “mức độ” thôi. Vì thế, làm nghề này lúc trai trẻ không sao, nhưng về già thế nào cũng phát bệnh”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA 

;
.
.
.
.
.