.

Nâng cao chất lượng công chức phường, xã

.

Hiện nay, số lượng công chức phường, xã có trình độ đại học, cao đẳng còn thấp, trong khi đó, tỷ lệ người chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ lại cao. Vì vậy, xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý là yêu cầu cấp thiết, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phường, xã.

Chế độ tiền lương và phụ cấp phù hợp sẽ tạo động lực để công chức phường, xã chuyên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. TRONG ẢNH: Công chức phường An Hải Đông đang giải quyết công việc hằng ngày.

Số liệu thống kê tính từ tháng 5-2009 của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, trong tổng số 484 công chức phường, xã trên địa bàn thành phố, số có trình độ đại học là 139 người; cao đẳng: 44 người; trung cấp 148 người. Đáng lưu ý là vẫn còn 11 trường hợp chỉ đạt trình độ sơ cấp và có đến 141 người chưa qua đào tạo.

Hiện nay, công chức phường, xã đảm nhiệm các chức danh liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn như: Văn phòng-Thống kê, Tài chính-Kế toán, Tư pháp-Hộ tịch, Văn hóa-Xã hội và Địa chính-Xây dựng. Theo Quy định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-10-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức phường, xã thì các vị trí nói trên phải đạt trình độ từ trung cấp trở lên và chuyên ngành đúng với chức danh đảm nhiệm. Như vậy, so với thực tế thì có đến 152 công chức phường, xã trên địa bàn thành phố chưa đạt chuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường.

Trong thời gian gần đây, thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với những người có trình độ đại học tự nguyện về công tác tại các cơ quan phường, xã, xem đây là giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Ngoài mức lương được xếp ngay vào bậc khởi điểm, họ còn được nhận trợ cấp bằng 50% mức lương tối thiểu.

Nhờ vậy, đến nay, thành phố đã thu hút 95 sinh viên tốt nghiệp hệ đại học hệ chính quy về làm việc ở xã, phường. Ưu điểm của những đối tượng này là tiếp cận công việc nhanh, dễ hòa nhập và thích ứng với nội dung công việc được giao. Tuy nhiên, một thực tế không tránh khỏi là trình độ chuyên môn của một số người lại không đáp ứng nhu cầu hiện tại ở phường, xã, dẫn đến việc khó bố trí vào các chức danh phù hợp.

Chẳng hạn, một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ thì không phù hợp để bố trí vào chức danh chuyên môn Văn phòng - Thống kê. Vị trí này tương ứng với người có trình độ chuyên môn về quản lý hành chính Nhà nước. Ngoài ra, khi được phân bổ về công tác tại phường, xã thì một số địa phương đã đủ các chức danh, mặc dù có chức danh chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nhưng vẫn không thay thế được. Do vậy, sinh viên về phường, xã làm việc, không ít người vẫn phải chờ để được phân công vị trí phù hợp, trong thời gian đó, họ đảm nhiệm công việc văn phòng là chủ yếu.

Đối với những cán bộ, công chức không đủ chuẩn, cách duy nhất để họ tiếp tục giữ chức danh hiện tại là nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiều người đã tham gia các lớp học chuyên ngành tương ứng với vị trí đang công tác để đáp ứng tiêu chuẩn đã quy định, mà theo đó, thấp nhất phải đạt trình độ trung cấp. Tuy vậy, chuyện học đối với một số người không phải đơn giản.
 
Công việc hiện tại đã chiếm rất nhiều thời gian, chưa kể đối với những trường hợp ở xã miền núi, việc học vừa tốn kém vừa phải di chuyển xa nên đã hạn chế phần nào nhu cầu học tập nâng cao trình độ của công chức. Hiện tại, chỉ một số ít nhận được trợ cấp khi đi học, còn lại phải tự trang trải học phí và các khoản liên quan trong suốt thời gian học. Những nguyên nhân này đã ảnh hưởng đến việc chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận công chức phường, xã.

Để chuyên môn hóa các chức danh nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, có chiều sâu, bắt buộc phải tiêu chuẩn hóa đội ngũ công chức phường, xã. Trong đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đúng với chuẩn đã quy định là yêu cầu cần thiết. Đối với công chức phường, xã, ngoài việc phải có bằng chuyên môn tương ứng với chức danh được bố trí, Sở Nội vụ đã đề nghị UBND thành phố mở rộng đối với người có trình độ đại học có nhóm ngành phù hợp.
 
Sở Nội vụ cũng đề xuất giảm độ tuổi quy định đối với công chức được tuyển dụng lần đầu từ 35 xuống không quá 30 tuổi nhằm trẻ hóa đội ngũ công chức, nâng cao trình độ chuyên môn đầu vào của công chức phường, xã. Ngoài ra, một giải pháp quan trọng mà Sở Nội vụ đề nghị là điều chỉnh chế độ, chính sách liên quan đến tiền lương, các khoản phụ cấp. Theo đó, trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính cấp phường (loại 1, 2), công chức sẽ được hưởng % theo mức lương.
 
Đối với công chức phường, xã loại 1 sẽ hưởng mức phụ cấp 10% và loại 2 hưởng mức phụ cấp 5%. Như vậy, cùng với các chương trình đào tạo cán bộ nguồn cho phường, xã cũng như những lớp đào tạo kỹ năng liên quan đến thủ tục hành chính, quản lý Nhà nước… thì những chính sách ưu đãi về lương, phụ cấp sẽ tạo động lực khuyến khích công chức phường, xã thực hiện công việc hiệu quả, hạn chế tâm lý chán nản, muốn rời bỏ vị trí cũ để đến với những cơ quan khác có mức thu nhập cao hơn.

Ngoài những chính sách ưu tiên nói trên, cần kiên quyết với những trường hợp không chịu học hỏi, không tích cực phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn, mạnh tay tuyển dụng người thay thế những chức danh không đạt chuẩn, tạo cơ hội cho những lớp trẻ, có năng lực, có trình độ đảm đương những chức danh ở phường, xã. Và với một đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã có chất lượng, đạt chuẩn thì Đà Nẵng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc xây dựng hệ thống chính quyền đô thị vững mạnh.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.