.

Nghịch lý cống thoát nước!

Gần như ở bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của đại biểu HĐND thành phố, chuyện đường phố biến thành sông khi trời đổ mưa đều được người dân nêu ra. Còn tại các cơ quan chức năng như Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng cũng thường xuyên nhận đơn của người dân phản ánh về khả năng thoát nước kém của hệ thống cống thoát nước, khiến nước ngập khắp nơi.

Vì sao như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân, mà trong đó cũng có sự “góp sức” của chính người dân. Về nguyên nhân này, một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải kể: Sau khi nhận đơn lẫn điện thoại của một hộ dân, Sở đã cử đại diện xuống hiện trường kiểm tra. Khi mở nắp cống ngay trước nhà của người dân gửi đơn, thật bất ngờ, gần như toàn bộ đoạn cống này đã bị bịt kín bằng bê- tông, gạch, đá - những thứ mà chủ nhà đẩy hết xuống trong thời gian xây nhà mình.
 
Vậy mà chủ nhà này oang oang: “Gia đình nộp phí thu rác, thì các ông phải có trách nhiệm nạo vét cống chứ” (?). Vô lý đến thế là cùng. Tuy nhiên, điều đáng nói là kiểu suy nghĩ và hành động như vậy không phải là cá biệt. Gần như ở đâu có người dân xây dựng nhà cửa, y như rằng đoạn cống nơi đó bị biến thành nơi đổ chất thải trong quá trình xây dựng. Nhiều người còn có “sáng kiến” tự ý bịt miệng hố ga ở gần nhà mình lại để… cho vệ sinh. Một số khác cứ vô tư hằng ngày đẩy hết rác sinh hoạt xuống hệ thống cống gần đó. Và kết quả hiển nhiên là khi trời mưa lớn, lượng nước không có nơi thoát, gây ra hiện tượng ngập cục bộ.

Chính quyền, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng để cải tạo hệ thống thoát nước, nhưng xem ra sự nỗ lực này sẽ rất khó thành công một khi chính người dân vẫn giữ thói quen biến hệ thống cống thành nơi đổ tất tần tật mọi thứ rác thải xuống đó.

TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.