Anh Nguyễn Đức Phán ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) là một điển hình về làm kinh tế trang trại, được người dân nơi đây trân trọng gọi là người đi mở đất ở chân núi Phước Tường.
Anh Phán đang tưới nước cho cây giống sầu riêng Sông Bé mới mua về. |
Anh Phán đầu tư đào ao trên 1.000m2, vừa để nuôi cá, vừa cung cấp nước tưới, phục vụ sản xuất. Trên 2.000m2 đất còn lại, anh phân ra nhiều khu vực như khu trồng hoa, khu trồng rau đậu, khu chăn nuôi bò đàn... và xây dựng thành hệ thống liên hoàn, bổ trợ nhau phát triển giữa chăn nuôi và trồng trọt. Trong trang trại của anh Phán có đến 400 cây mai trồng đất để bán nhánh, xem ra rất hiệu quả, dễ trồng lại cho thu nhập ổn định.
Quanh năm, anh Phán chuyên trồng hoa cúc để bán vào các dịp rằm, mồng một âm lịch. Những năm trước, hoa cúc đắt giá, mỗi cây bán được 4.000 đồng. Anh Phán “chớp thời cơ”, vụ nào cũng trồng gần 10.000 cây, thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhưng về sau do có quá nhiều người trồng cúc nên giá hạ xuống chỉ còn 1.500-2.000 đồng/cây. Vì thế, anh Phán đã chuyển sang trồng rau lang đọt trắng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Mỗi vụ anh trồng cả nghìn mét vuông, cắt bán cuốn chiếu, mỗi ngày bán được từ 60-90 nghìn đồng. Đặc biệt, anh đã đưa được 2 loại hoa cao cấp lay-ơn và ly ly từ Đà Lạt về trồng thành công trong vụ Tết vừa qua, đạt hiệu quả cao. Mấy vụ hoa Tết vừa qua, ly ly, lay-ơn của anh đều nở đẹp, thương lái và người tiêu dùng đến tận nơi, tranh nhau mua.
Trong trang trại của anh Phán còn có nhiều cây cảnh, cây ăn quả và rau đậu các loại. Hiện nay, anh đầu tư lập vườn sầu riêng với nguồn giống mua từ tỉnh Sông Bé. Theo anh, cây sầu riêng Sông Bé dễ chăm sóc, thích hợp với chất đất vùng này và chỉ trồng hơn 2 năm là bắt đầu có quả bán.
Mô hình kinh tế của anh Phán đã được UBND huyện Hòa Vang cấp giấy chứng nhận trang trại trong đợt đầu tiên (năm 2003) và nhiều năm qua, anh liên tục được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố.
Đáng trân trọng hơn là anh còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cho nhiều người khác đến đây làm ăn, sinh sống, biến một vùng đất um tùm cỏ dại trở thành một khu dân cư, quanh năm xanh mướt các loại rau đậu. Từ chỗ đến đây mở đất lập nghiệp, bây giờ anh Phán là một tổ trưởng dân phố (tổ 16), luôn sâu sát, gần gũi với bà con, được mọi người hết sức quý mến.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM