.

Nhân dân được giám sát các dự án có ảnh hưởng đến dân sinh

.

LTS: Theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, nhân dân được quyền giám sát các dự án đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng trên địa bàn cấp xã (phường, xã, thị trấn) thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ). Bà HÀ THỊ MINH PHƯỢNG, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Đà Nẵng về nội dung này.*

Phóng viên (P.V): Thưa bà, nhân dân được quyền giám sát các dự án đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng như thế nào?

Bà Hà Thị Minh Phượng.

- Bà Hà Thị Minh Phượng: Theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg, GSĐTCĐ là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường. Mục đích của hoạt động này nhằm bảo đảm hoạt động đầu tư phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và có hiệu quả kinh tế-xã hội cao. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động đầu tư sai quy hoạch, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, chất lượng công trình không bảo đảm, xâm hại lợi ích cộng đồng.

* P.V: Như vậy ai là người đại diện nhân dân trong Ban GSĐTCĐ, đối tượng nào chịu sự giám sát và phạm vi giám sát đến đâu?

- Bà Hà Thị Minh Phượng:
Theo Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT-BKHĐT-BTC-BTT UB MTTQVN giữa 3 cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg quy định:

Chủ thể tổ chức GSĐTCĐ là Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban GSĐTCĐ do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường, xã tổ chức bầu phải bảo đảm về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Ban GSĐTCĐ. Ở thành phố Đà Nẵng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố thống nhất hướng dẫn MTTQ phường, xã giao cho Ban Thanh tra nhân dân đảm nhận nhiệm vụ GSĐTCĐ.

Đối tượng chịu sự GSĐTCĐ là: Người quyết định đầu tư dự án, chủ đầu tư (gồm cả Ban Quản lý dự án), nhà thầu gồm: Nhà thầu tư vấn, giám sát thi công, xây lắp, cung cấp thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu cho dự án.

Phạm vi GSĐTCĐ là các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước và không thuộc diện bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật, có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng; dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc từ nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân; dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác.

* P.V: Trong quá trình GSĐTCĐ đối với các dự án, nếu phát hiện những vấn đề vi phạm pháp luật và Quy chế GSĐTCĐ thì Ban GSĐTCĐ phản ánh, kiến nghị với ai? Có chế tài nào xử lý việc không trả lời, giải quyết kiến nghị không?

- Bà Hà Thị Minh Phượng:
Ban GSĐTCĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch GSĐTCĐ đúng với quy định tại Quy chế này. Trong quá trình giám sát phát hiện vi phạm các quy định tại Quy chế, hoặc tiếp nhận những thông tin do nhân dân phản ánh, Ban GSĐTCĐ có nhiệm vụ tổng hợp phản ánh, kiến nghị với các cơ quan quản lý có thẩm quyền, đồng thời tiếp nhận và thông tin cho nhân dân biết ý kiến trả lời của cơ quan quản lý có thẩm quyền về kiến nghị của mình.

Trong trường hợp Ban GSĐTCĐ hoạt động không hiệu quả, ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường, xã có trách nhiệm tổng hợp ý kiến phản ánh bằng văn bản gửi đến các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan giám sát đầu tư của Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức tài trợ có liên quan.

Tại Điều 12 đến 17 của Quy chế đều quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đầu tư; của cơ quan quản lý ngành ở các cấp, của UBND các cấp, của chủ đầu tư và nhà thầu trong việc công khai hóa thông tin về quy hoạch theo quy định pháp luật, cung cấp thông tin về dự án đầu tư, giải trình, cung cấp thông tin về dự án thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Các cơ quan quản lý ngành, UBND các cấp, các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đầu tư trong thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm xem xét giải quyết những vấn đề mà cộng đồng yêu cầu trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị bằng văn bản của Ban GSĐTCĐ. Điều 19 quy định rõ: “Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định Quy chế này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

* P.V: Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn.

Nội dung giám sát quy định tại Quy chế GSĐTCĐ:

- Đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp..., kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã, phường.

- Đánh giá việc chủ đầu tư chấp hành quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư.

- Phát hiện những xâm hại đến lợi ích cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án.

- Đánh giá hiệu quả đầu tư dự án, phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án.

- Theo dõi kiểm tra việc thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư đúng quy định; theo dõi kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình (đối với dự án đầu tư bằng vốn và công sức cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của cá nhân, tổ chức cho xã, phường).


Đoàn Sơn (Thực hiện)

 

;
.
.
.
.
.