.

Nhớ lại kỳ đại hội sau ngày Bác mất

.

Tháng 9-1967, chủ trương của Đặc Khu ủy Quảng Đà chia huyện Hòa Vang ra làm 3 khu. Lúc bấy giờ tôi là Trưởng Công an xã Hòa Thái được điều lên làm Trưởng Công an khu II. Khu II gồm 12 xã: Hòa Thái, Hòa Lợi, Hòa Lương, Hòa Bình, Hòa Hưng, Hòa Thọ, Hòa Phú, Hòa Thượng, Hòa Thịnh, Hòa Châu và xã Điện Sơn. Cơ quan Công an đóng ở Tống Cói thuộc huyện Đông Giang. Từ Khu ủy II lên cơ quan Công an và trại giam chỗ chúng tôi làm việc mất một buổi đường.

Ông Trần Nhật Bằng cùng đoàn làm phim nước ngoài. (Ảnh tư liệu)

Năm 1969, tình hình chiến sự thuộc vùng Hòa Vang trở nên vô cùng ác liệt. Bom B52, bom tọa độ, đại bác hạng nặng và súng DKZ của địch bắn phá suốt ngày đêm, bất kể giờ giấc nào. Căn cứ của ta ở Đông Giang bị bom B52 phá sạch. Nhà cửa, kho tàng tan hoang. Nhờ có những căn hầm chữ A chống đỡ bằng những thân gỗ rắn chắc được đào sâu vào lòng núi đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ ta thoát chết sau nhiều trận B52 ném bom rải thảm.

Sư đoàn American Mỹ từ Khe Sanh, Quảng Trị đổ bộ về chốt giữ các cao điểm ở Đông Giang, Bà Nà, Phú Túc chặn đứng con đường huyết mạch của ta, không cho ta liên lạc được từ đồng bằng lên miền núi và ngược lại. Từ những điểm đóng quân này, ban ngày địch đưa biệt kích càn quét vào làng hoặc rình rập phục kích các ngả đường. Ban đêm chúng dùng đại bác hoặc súng DKZ bắn phá tứ tung. Đặc biệt DKZ có đầu đạn chứa những cây đinh bằng thép nhọn, khi nổ đinh bắn ra xung quanh gây sát thương rất cao, đồng bào ta rất sợ loại vũ khí này.

Những vùng giải phóng cũ, những vùng trụ bám dân bị địch xúc đưa vào khu dồn. Nhà cửa, ruộng vườn chúng cho xe ủi cày sạch. Toàn huyện Hòa Vang trở thành vành đai trắng phía Tây thành phố Đà Nẵng. Địch bao vây, phong tỏa, rình rập và chà xát ráo riết như thế nên chiến khu không liên lạc được với đồng bằng. Gạo, muối dự trữ hết sạch. Anh em phải ăn rau quả, măng, môn hái được trong rừng để sống. Nhưng đến lúc măng, rau, cây lá ăn được trong rừng cũng hết. Cán bộ, chiến sĩ địa phương đói, bộ đội chủ lực cũng đói và dân cũng đói.

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Bá Tùng, Ủy viên Đặc Khu ủy Quảng Đà, Bí thư Đảng ủy Khu II bàn với Ban Chỉ huy bộ đội chủ lực của Quân khu V bằng đủ mọi cách làm sao nhổ được cứ điểm Bà Nà. Sau khi đã thống nhất phương án tác chiến, đồng chí Nguyễn Bá Tùng chịu trách nhiệm lo khâu lương thực để bộ đội chủ lực có một bữa ăn no đủ sức đánh giặc.

Đồng chí Nguyễn Bá Tùng và anh chị em trong Thường vụ Đảng ủy Khu II Hòa Vang đã chạy đôn chạy đáo khắp các cơ quan đóng sâu trong vùng cao Đông Giang mượn mỗi nơi một hai lon gạo dồn lại khoảng 40 lon (hơn 10kg) để nấu cháo với môn dóc cho anh em D9 thuộc E41 Quân khu V được một bữa no để có sức đánh Mỹ!

Đêm đó, quân ta âm thầm tiến lên đỉnh Bà Nà. Lâu nay địch chủ quan nghĩ rằng quân ta không đủ sức công đồn, mà đồn ở trên đỉnh núi cao hơn 1.000m nên thiếu cảnh giác. Quân ta với tinh thần quyết chiến, quyết thắng đã tràn lên san bằng cứ điểm Bà Nà khiến địch trở tay không kịp. Quân ta thu được nhiều vũ khí, đạn dược và rất nhiều lương thực, thực phẩm dự trữ của địch như thịt hộp, gạo sấy...

Chiến thắng vang dội này đã khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ khu II. Khoảng tháng 6-1969, quân du kích của 2 xã Hòa Bình, Hòa Thượng do đồng chí Trần Thanh Bình chỉ huy phối hợp với Trung đội 2 của C2 thuộc Khu II do đồng chí Đinh Ngọc Phiến làm Trung đội trưởng đã bí mật tấn công san bằng đồn Phú Túc, tiêu diệt 32 tên Mỹ. Trong chiến thắng này, nhiều cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang Khu II được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.

Tiêu diệt được 2 căn cứ Bà Nà và Phú Túc, chúng ta đã nhổ được 2 điểm chốt chặn quan trọng của địch trên đường 14, tạo được hành lang tương đối an toàn từ Đông Giang xuống đồng bằng, gỡ được thế bế tắc, giải được một phần khó khăn cho bộ đội và cán bộ ta ở Hòa Vang.

Trong thời gian này, Đặc Khu ủy Quảng Đà có chủ trương một bộ phận bám căn cứ trên núi, một bộ phận chiến sĩ, cán bộ xuống đồng bằng bám dân bám đất. Các Đảng ủy viên và cán bộ chủ chốt khu II chia nhau về các xã để chỉ đạo công tác. Tôi được phân công về cánh Tây khu II gồm các xã Hòa Bình, Hòa Lương, Hòa Hưng. Tuy là Trưởng Công an khu phụ trách vấn đề an ninh nhưng trên thực tế tôi cùng với anh em làm đủ mọi thứ gồm quân sự, chính trị, binh vận, tổ chức đoàn thể, sản xuất lương thực, mua thực phẩm, thuốc men... và cả công tác văn hóa văn nghệ tuyên truyền.

Khi về lại đồng bằng bám dân bám đất, qua thực tế công tác, tôi nhận thấy chủ trương này hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn. Cán bộ, chiến sĩ có chỗ dựa là dân, dân đùm bọc che chở, giúp đỡ từ miếng cơm, viên thuốc, chỗ ăn ở, đào công sự, hầm bí mật... Cán bộ, chiến sĩ giúp dân sản xuất, bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ sự sống của họ. Có cán bộ bên cạnh dân cảm thấy yên tâm, củng cố niềm tin đối với cách mạng.

Lúc bấy giờ trên địa bàn khu II Hòa Vang được cấp trên tăng cường nhiều lực lượng quân chủ lực. Gắn bó tình cảm và sâu sát với dân Hòa Vang nhất là Tiểu đoàn pháo tên lửa 575 của Quân khu V do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Hà Công Thể chỉ huy. Nói là Tiểu đoàn nhưng toàn thể cán bộ, chiến sĩ khoảng 30 người. Bộ đội tên lửa 575 cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sống và chiến đấu với dân. Đáp lại, dân giúp bộ đội khuân vác súng đạn, đào công sự phòng thủ, thiết lập các trận địa pháo.
 
Nhiều trận địa pháo đặt ở điểm cao vùng ta kiểm soát như Hòa Thọ, Hòa Tiến, Hòa Thượng, Điện Tiến... Vùng này địch cày ủi gần như vùng trống nên mỗi lần quân ta bắn pháo, địch quan sát và phát hiện vị trí rất nhanh và phản pháo lại. Chính vì điều này nên trước khi thiết lập một bệ phóng tên lửa nào, quân ta phải tính đến việc bắn xong là gấp rút di chuyển đến vị trí khác.
Tất cả việc này phải tính trước và được phân công chu đáo. Do vậy, trước khi bắn, dân quân phải túc trực sẵn. Khi bộ đội bắn xong mục tiêu nào là nhanh chóng di chuyển đạn và pháo qua vị trí mới cách xa nơi vừa bắn, để tránh việc địch phát hiện và bắn lại. Nhờ có lực lượng dân quân giúp sức nên pháo của ta bám sát được mục tiêu, bắn chính xác, đồng thời được di chuyển nhanh, tránh tổn thất và bảo tồn được lực lượng.

Khoảng tháng 10-1969, được cấp trên báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chúng tôi buồn lắm. Một số anh em có vẻ lo lắng về những ngày sắp tới. Tôi quyết định xuống nắm tình hình trong dân thăm dò tâm trạng của dân như thế nào. Té ra cơ sở và dân ta trong khu dồn còn biết trước chúng tôi. Qua đài của địch, họ biết Bác Hồ qua đời từ những ngày đầu tháng 9.
 
Nhiều cơ sở ta hoạt động hợp pháp ở một số chùa đã tổ chức lễ tưởng niệm Bác, một số người để tang, một số gia đình lập bàn thờ thắp hương tưởng nhớ Bác. Dân các vùng trụ bám thì bảo: “Bác Hồ qua đời nhưng còn Đảng lãnh đạo. Miền Nam có Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo cách mạng miền Nam, không việc gì mà lo sợ”. Tinh thần lạc quan cách mạng của nhân dân đã truyền cho chúng tôi thêm niềm tin và sức mạnh để chiến đấu.

Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, đó là việc tổ chức Đại hội Đảng bộ khu II vào đầu tháng 11-1969.

Lúc này tôi vẫn đang đứng điểm ở 3 xã Hòa Bình, Hòa Lương và Hòa Hưng, 3 xã tương đối khá về an ninh và kinh tế trong vùng. Các anh trong Thường vụ và Trưởng các ban khu II - Hòa Vang trong ban tổ chức. Đồng chí Nguyễn Văn Chi - Phó bí thư Khu II - Hòa Vang viết thư cho tôi đại ý:
 
“Ta tổ chức Đại hội Khu II trong lúc Bác Hồ vừa qua đời nên việc tổ chức Đại hội không nên liên hoan vui vẻ làm gì. Tuy nhiên, về mặt đời sống, một số anh em đề nghị nên mua một con bò. Theo tôi, anh nên nghiên cứu kỹ ý kiến anh em, nếu được anh tự xử trí”. Đọc thư xong, tôi hiểu được ý anh Chi và đem ý kiến này bàn với chị Nguyễn Thị Ẩn - Bí thư xã Hòa Bình và anh Trần Quốc Thương - Bí thư Hòa Hưng. Các anh chị đều đồng ý mua bò.

Tôi vào nhà người quen ở Hòa Bình mua con bò giá 1 triệu đồng và hẹn ngày mai lùa lên Đồng Nghệ cho ăn tôi sẽ dắt. Tôi dặn người chủ:

- Anh lùa bầy bò lên Đồng Nghệ khoảng 7 đến 8 giờ. Anh xem theo dõi kỹ tình hình, nếu không có địch thì anh đội trên nón một cái khăn màu trắng. Nếu có địch thì không có khăn. Sáng mai tôi chờ anh ở Đồng Nghệ!

Sáng hôm sau đúng 7 giờ, tôi và anh Nguyễn Lương Nam núp sau một tảng đá ở bìa rừng Đồng Nghệ. Khoảng nửa tiếng sau, tôi thấy người chủ đang lùa bầy bò đi ăn hướng thẳng về phía núi, trên nón phơi một chiếc khăn trắng màu bình an.

Tôi và anh Nam biết mọi việc diễn ra tốt đẹp. Hai chúng tôi ra nhận bò và dắt thẳng vào rừng.

Từ Đồng Nghệ, chúng tôi băng rừng dắt bò về xã Ba Đông Giang. Đường đi vô cùng vất vả, có những dốc cao như dốc Ô Rây. Tôi dắt, anh Nam đẩy phía sau. Khổ cực lắm chúng tôi mới đưa được bò về xã Ba.

Thấy tôi và anh Nam dắt con bò khá lớn về cho đại hội, anh em mừng lắm. Vì lâu nay thiếu thốn, giờ sắp có một bữa thịt bò, mừng vì anh em lâu ngày mới gặp nhau. Nhiều anh em công tác ở những vùng ác liệt, không có điều kiện cạo râu, cắt tóc nên râu tóc bờm xờm trông tướng mạo như những người ở Lương Sơn Bạc. Chúng tôi cắt tóc, cạo râu cho nhau, giặt áo quần sạch sẽ chuẩn bị ngày mai vào Đại hội.

Trước khi khai mạc, Đại hội tổ chức lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trên bàn thờ Tổ quốc có cờ và hoa, chúng tôi treo một ảnh chân dung Hồ Chủ tịch được dệt bằng vải khổ 60x80cm, với khung bằng gỗ trông rất trang nghiêm.

Trong lễ sau phần mặc niệm, chúng tôi nghe đọc Di chúc của Người phần nói về Đảng ta. Cả Đại hội im phăng phắc như đang chìm trong niềm tiếc thương vô hạn. Nhiều anh chị em rơm rớm nước mắt, có người đã khóc.

Đại hội diễn ra trong không khí nghiêm túc và thẳng thắn với tinh thần quyết tâm biến đau thương thành hành động, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Trưa hôm đó trước khi liên hoan, đồng chí Nguyễn Bá Tùng - Bí thư Đảng ủy Khu II phát biểu đại ý:

- Bác mới mất nên Đại hội không tổ chức liên hoan đình đám gì. Nhưng từ 68 đến nay các đồng chí hoạt động gian khổ, ác liệt. Có khi mới gặp mặt nhau rồi chia tay mãi mãi. Nên Thường vụ bàn nhân Đại hội, ta có một bữa ăn ưu điểm để anh em hàn huyên nhau!

Sau này mỗi lần dự một cuộc liên hoan hay tiệc tùng gì, tôi luôn nhớ về những ngày thiếu đói thời gian đó và nhớ mãi câu nói của anh Tùng về “Bữa ăn ưu điểm” đầy tình cảm thân thương và cảm động.

Sau Đại hội, xuất phát từ tình hình thực tế địa phương, trong tinh thần “biến đau thương thành hành động cách mạng” sau cái tang lớn của Bác, chúng tôi củng cố lại tổ chức, đẩy mạnh chủ trương bám đất bám dân, xây dựng lại các chi bộ và cơ sở, đẩy mạnh công tác “trừ gian, diệt ác” để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị.

Chúng tôi tổ chức những đêm nói chuyện tuyên truyền chủ trương, chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xây dựng các đoàn thể. Chúng tôi sáng tác thơ, ca, hò vè, những vở kịch ngắn ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi những gương chiến đấu anh dũng, vạch mặt những thủ đoạn lừa bịp dân của địch, vận động thanh niên không đi lính cho địch, bỏ súng trở về với cách mạng... đem những sáng tác này tập cho các em thiếu nhi, thanh niên. Những đêm nói chuyện với nhân dân, chúng tôi đem ra diễn.

Bà con lâu nay thiếu món ăn tinh thần là văn hóa văn nghệ, nay nghe có văn nghệ bà con đi nghe ngày một đông. Từ thực tế này tôi mới nhận thức được rằng công tác văn hóa, văn nghệ là hết sức cần thiết trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng. Những đêm tuyên truyền và văn nghệ đã đem lại cho vùng giải phóng một sinh khí mới vui tươi, lành mạnh, bà con thích lắm. Bà con đi nghe còn mang theo cho chúng tôi mấy trứng gà, bát đường đen, gói thuốc lá, túm nếp... để làm quà cho “Đội văn nghệ dã chiến” của chúng tôi. Gia đình nào có người qua đời, chúng tôi đến thăm hỏi, giúp đỡ việc chôn cất chu đáo.

Trong trận lụt lớn năm 1969, Ban An ninh của chúng tôi đã bảo vệ cho đồng chí Nguyễn Bá Tùng mang 10 triệu đồng đi thăm và tặng quà cho đồng bào bị thiệt hại vì lụt ở Hòa Hưng và các vùng lân cận. Chúng tôi còn phân phát thư thăm hỏi đồng bào bị lụt của Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ. Bà con khu II Hòa Vang bị ngập lụt vô cùng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp này của chính quyền cách mạng.

Về công tác Đảng, trước năm 1968 một chi bộ chia làm 2 phần. Chi bộ 1 gồm các đồng chí hoạt động bất hợp pháp, chi bộ 2 gồm các đồng chí hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Sau Tết Mậu Thân, nhiều chi bộ 2 tan rã. Bây giờ chúng tôi nhen nhóm xây dựng lại. Trong các khu dồn và vùng địch chiếm đều có chi bộ 2 của ta hoạt động trở lại. Nhiều chi bộ hoạt động rất mạnh như chi bộ 2 ở Yến Nê, các mẹ, các chị đã từng đấu tranh không cho xe tăng địch cày ủi xóm làng, chi bộ này hoạt động cho đến ngày giải phóng. Nhiều đồng chí còn sinh hoạt đến hôm nay.

Cuối năm 1969 qua năm 1970, chúng tôi đẩy mạnh phong trào diệt ác, phá kèm rất thành công. Chúng tôi thành lập “Đội quyết tử” để đối phó với bọn ác ôn. Các anh Nguyễn Ngọc Bài, Trần Công Đối, Nguyễn Phú Thơ..., ở đội trinh sát khu II xuống Hòa Thái thành lập đội quyết tử Hòa Thái hoạt động trên địa bàn Hòa Thái, Hòa Thọ.

Dân ở khu dồn nhưng vẫn về làng cũ sản xuất trồng lúa để có gạo nuôi du kích bám đất giữ làng. Khi lúa vừa chín, ta chưa kịp gặt thì địch muốn phổng tay trên bằng cách đưa quân xuống gặt lúa của dân, không cho dân cung cấp cho cách mạng. Cầm đầu đám này là tên cảnh sát trưởng xã Hòa Thái. Được tin sáng mai địch sẽ gặt lúa của dân, đội quyết tử đêm đó đã diệt tên cảnh sát trưởng. Các tên khác hoảng sợ, không có tên nào dám gặt lúa của dân nữa.

Cơ sở ta ở khu dồn ngày một lớn mạnh. Chúng ta đã vận động nhân dân bỏ khu dồn trở về làng cũ rất đông. Cán bộ, chiến sĩ ta giúp dân khai hoang sản xuất, ổn định đời sống. Dân địa phương khu II không có ai làm cho địch. Chính quyền địa phương của địch đều là người nơi khác đến. Tên nào ác ôn ta diệt, tên nào biết điều ta tuyên truyền móc nối.

Vì vậy, chính quyền ngụy ở địa phương chỉ có tính hình thức, thật sự ta làm chủ hoàn toàn. Như vậy, chủ trương bình định nông thôn của địch bị bẻ gãy trên đất Hòa Vang. Tính từ 1970, trên đất Hòa Vang lực lượng cách mạng phần lớn làm chủ vùng nông thôn. Quân Mỹ lui về tuyến sau, giao tuyến trước lại cho quân ngụy, thế và lực ta ngày một lớn mạnh khiến lực lượng ngụy ngày một co cụm lại, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta xây dựng lực lượng cách mạng vững chắc ở nông thôn Hòa Vang, làm tiền đề cho những thắng lợi rực rỡ sau này.

Năm 1969 là một trong những thời kỳ khó khăn nhất tại chiến trường Quảng Đà nói chung và Hòa Vang nói riêng. Tuy nhiên, với tinh thần “biến đau thương thành hành động” ngay sau khi Bác mất, trong không khí Đại hội Đảng toàn Khu II - Hòa Vang, quân và dân Khu II chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó một cách thuyết phục. Theo tôi, đó chính là nhờ lòng dân nơi đây đối với Bác Hồ và lời thề của Đảng bộ chúng tôi được thể hiện trọn vẹn trong một thời điểm đặc biệt: Đại hội Đảng bộ ngay sau ngày Bác mất!

Hồi ký của đồng chí TRẦN NHẬT BẰNG, do TRƯƠNG VĂN NGỌC ghi
           

;
.
.
.
.
.