.

Nông dân bảo vệ môi trường

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân Đà Nẵng đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng chiến lược quốc gia về cấp nước, vệ sinh môi trường và công tác bảo vệ tài nguyên-môi trường; xác định rõ vai trò nòng cốt, chủ động, tích cực của Hội trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân (HVND) thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn.

Hội Nông dân phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường ký kết chương trình hành động bảo vệ môi trường; gắn nội dung bảo vệ môi trường vào chỉ tiêu thi đua công tác Hội; duy trì hoạt động ngày chủ nhật “xanh - sạch - đẹp” ở các cơ sở Hội; kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách theo dõi, chỉ đạo hoạt động bảo vệ môi trường từ Thành Hội đến cơ sở, xây dựng 167 chi hội điểm tự quản về vệ sinh môi trường có 8.854 HVND tham gia.

Ở cấp Hội cơ sở thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền HVND về xây dựng nếp sống bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình trình diễn cho HVND tham quan thực tế về sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thu gom phân loại xử lý rác thải, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất rau an toàn, tận dụng các phụ phẩm sau khi sản xuất nấm rơm, nấm bào ngư để sản xuất phân vi sinh…

Tuy vậy, công tác bảo vệ môi trường trong các cấp Hội Nông dân từng lúc, từng nơi còn thiếu thường xuyên; nhất là ở các xã vùng ven, các phường ven biển chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa Hội với các ngành liên quan. Mặt khác, ý thức của một bộ phận nông dân chưa cao, còn thờ ơ với tác hại của ô nhiễm môi trường, còn vứt rác, xác súc vật chết ra đường; một vài cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của nông dân chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nhiều ngư dân sử dụng các công cụ đánh bắt thủy hải sản mang tính hủy diệt như xung điện, thuốc nổ…

Để thể hiện tốt và có hiệu quả vai trò của các cấp Hội Nông dân và HVND trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp Hội cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động HVND học tập, tìm hiểu về pháp luật bảo vệ  môi trường, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; xây dựng đội ngũ cán bộ hội vừa giỏi công tác vận động nông dân vừa có trình độ, kiến thức về môi trường để cụ thể hóa nội dung bảo vệ môi trường ở từng cơ sở phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương. Hội Nông dân tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng những mô hình trình diễn về quản lý môi trường nông thôn, thu gom, phân loại xử lý rác thải, tuyên truyền phong trào “ăn sạch, ở sạch, uống chín”, “sạch trong nhà, sạch ra tận ngõ” trong HVND.

Các cơ sở Hội cần quan tâm xây dựng, quản lý và thực hiện mô hình “Hội viên nông dân sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên môi trường”, tham gia tốt phong trào ngày chủ nhật “xanh - sạch - đẹp”, “nước sạch và môi trường nông thôn”, phát huy tinh thần tự lực, tự cường tạo mọi điều kiện để HVND tham gia các hoạt động quản lý môi trường nông thôn, tạo sự đoàn kết gắn bó trong HVND thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng có hiệu quả các loại tài nguyên là trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng là quyền lợi của cán bộ, HVND. Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tiến đến triển khai thực hiện “Năm đô thị sạch” trên địa bàn thành phố, các cấp Hội phải biết chọn đúng những nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục tuyên truyền, vận động HVND quyết tâm thực hiện tốt nội dung về bảo vệ môi trường, góp phần cùng với thành phố bảo vệ môi trường bền vững trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

KIM DŨNG

;
.
.
.
.
.