(ĐNĐT) – Giữa cái nắng hiếm hoi sau chuỗi ngày mưa ròng, bà con nông dân các xã thuộc huyện Hòa Vang tất bật rủ nhau xuống đồng thu hoạch lúa. Nhưng tiếc thay, cái hanh hao của nắng không nhuộm nổi sắc vàng cho những thửa ruộng đã “tím” màu vì ngập chìm trong mưa lũ
Ngâm lâu ngày trong nước, hầu hết cây lúa đều bị nứt mộng, hư hại (Ảnh: N.Đồng) |
Tính về con số, thiệt hại của nông nghiệp huyện Hòa Vang sau đợt mưa lớn vừa qua có thể lên đến hơn 30 tỷ đồng, với hàng ngàn hecta lúa, hoa màu bị hư hại, không thể thu hoạch. “Chưa năm nào mưa lớn và rơi trúng vào thời điểm thu hoạch như năm nay, chúng tôi trắng tay mà chỉ biết đứng nhìn, không kịp làm gì để cứu lúa”, ông Trần Văn Lợi, một nông dân ở thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, nói.
Trên một cánh đồng nhỏ tại thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, gia đình chị Ngô Thị Liễu huy động toàn bộ lực lượng trong nhà để gặt lúa, dù biết sản phẩm thu hoạch được chỉ là những bó lúa đã ngập úng, ướt sũng và nứt mộng. Ngâm mình trong nước từ sáng sớm, lại thêm nỗi buồn tê tái vì lúa bị ngã rạp và hư hại gần hết, chị Liễu không muốn kể gì nhiều với chúng tôi, bởi “nói ra chỉ thêm xót”.
Mộng, con gái chị Liễu, cho biết, mọi năm, cứ vào khoảng độ này, thanh niên trong thôn lại đổ về quê để phụ gia đình thu hoạch vụ hè thu, không khí rất vui vẻ, náo nhiệt, nhưng năm nay, nhà nào cũng buồn vì lúa hư hại hơn một nửa, “đi gặt mà không ai nói nổi, cười nổi với nhau câu nào”.
Cùng gặt lúa gần đó, chị Nguyễn Thị Nhớ, cũng người thôn Yến Nê 1 lại không ngại giãi bày: “Lúa bị ngâm trong nước sau hai đợt ngập liên tiếp, giờ có gặt về không đủ nắng để phơi, bị nứt mầm là coi như bỏ, chỉ còn biết hong khô, xay cho heo, gà ăn. Trước dự tính mỗi sào thu được 1 triệu, nhưng giờ thì nợ nần lại chồng chất, đúng là người tính không bằng trời tính”.
Khi được hỏi về việc thuê máy sấy lúa của hợp tác xã để cứu lúa khỏi nảy mầm, chị Nhớ cho biết, phải đủ mẻ thì mới có thể dùng máy sấy, mà một mình chị thì thu hoạch không kịp, lúa dưới đồng chưa gặt hết, lúa trên bờ đã nảy mầm, chi phí thuê máy sấy cũng cao, nên hầu hết bà con ở đây đều bấm bụng “vớt vát được tới đâu hay tới đó, chứ thuê máy sấy, nhân công chỉ thêm tốn kém”.
Dọc theo các tuyến đường vào thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, người dân tập trung thành từng nhóm để phơi lúa, tuốt lúa, không khí khẩn trương trong im lặng, bởi ai cũng tiếc cây lúa một, tiếc công mình mười. Ông Phạm Lâm, một nông dân trong thôn vừa phơi lúa, vừa nhẩm tính: “Lúa bị ngâm trong nước nên hầu hết đều bị chín mẫu tử (chín nửa bông), năng suất thu hoạch giảm 20-50%, còn trên những thửa ruộng sắp thu hoạch, cây lúa bị nứt mộng thì thiệt hại gần như 100%, bù qua bù lại, cả vụ này vẫn lỗ nặng”.
Đi sâu vào trong các thôn Phước Hưng, Thái Lai, xã Hòa Tiến, gõ cửa những nhà ở quanh cánh đồng Bàu Lùng, đâu đâu cũng thấy những tiếng thở dài ngao ngán. Mưa ngừng, nhưng nước vẫn còn ngập, người dân ở đây chỉ biết xót xa đứng nhìn, chứ không buồn gặt, bởi biết trước sau gì cũng mất trắng.
Chị Phạm Thị Hoa, đội 1, thôn Phước Hưng, kể với giọng buồn: “Mấy hôm nước dâng cao, dân trong thôn cũng chèo ghe đi cứu lúa, nhưng gặt về, không phơi được, lúa cũng hư, nản quá chúng tôi buông xuôi luôn”. Nhìn ra cả cánh đồng Bàu Lùng rộng mênh mông, xác xơ, nghĩ đến miếng cơm manh áo của hàng trăm hộ dân quanh đây, mới thấu hết cái tiếng thở dài của chị Hoa.
Không chỉ người nông dân trồng lúa, các hộ nuôi cá, trồng rau màu trong thôn cũng bị thiệt hại nặng nề. Gia đình ông Phạm Văn Hoanh ở tổ 5, thôn Phước Hưng nuôi cá nước ngọt trên diện tích hồ rộng hơn 2ha tại Bàu Chùa, với các các loại như cá trắm cỏ, rô phi, chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Ông Hoanh kể trong tiếc nuối: “Lứa cá này tôi đã dự định thu hoạch vào đầu tháng 9, nhưng chần chừ đợi qua rằm, hôm mưa lớn, nước dâng cao, tôi lo quá nên ra hồ ở lại canh cá, nhưng thấy nước dâng cao nên đành quay về, đau xót nhìn cá băng cả lưới chắn, trôi theo dòng nước mà đành bó tay”.
Nếu như mọi năm, trừ cả tiền giống, thức ăn thì thu nhập của ông Hoanh không dưới 20 triệu đồng, nhưng năm nay mưa lớn bất ngờ, không kịp trở tay, nên gia đình ông đã mất đi một khoản thu nhập, cũng là số tiền trang trải học phí cho các con đầu năm học mới.
Lúa, hoa màu hư hại, vật nuôi chết, trôi theo đợt mưa lũ bất thường, người dân các xã ở huyện Hòa Vang vừa gặt lúa, vừa tính đến chuyện tranh thủ lên phố làm thêm để kiếm tiền trang trải nợ nần, nuôi con ăn học. Bởi theo chị Hoa, “tiền giống, phân bón vẫn còn nợ ở các đại lý, giờ không trả thì vụ sau không vay được nữa, tranh thủ gặt lúa xong thì đi buôn gánh bán bưng dăm bửa, nửa tháng, kiếm tiền trang trải cho vụ sau”.
Thời tiết miền Trung năm nay được dự báo là mưa lũ thất thường, người nông dân hẳn sẽ còn nhiều vất vả, cực nhọc. Mà suy cho cùng, thì đã bao giờ họ được thảnh thơi, bớt lam lũ, một khi đã gắn đời mình với cái nghề nông “trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm này”.
Ngô Đồng
Kiến nghị hỗ trợ phục hồi sản xuất vụ Đông Xuân
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, nhằm sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, phục hồi sản xuất và ổn định đời sống nhân dân, các địa phương trong khu vực đều đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho việc tiêu úng, cung cấp cây con giống phục hồi sản xuất cho vụ Đông Xuân sắp tới, hỗ trợ kinh phí khắc phục đột xuất các công trình hạ tầng cơ sở, giao thông, thủy lợi bị thiệt hại… | ||