.

Nước thoát ngả nào?

.

Thoát nước (bao gồm nước mưa, nước thải sinh hoạt và công nghiệp) là vấn đề được đặt lên hàng đầu, đồng thời với quá trình xây dựng, phát triển của mọi đô thị. Ở Đà Nẵng, thoát nước luôn là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Vậy nhưng...

Vì sao mưa là ngập?

Công ty QLSCCTGT & Thoát nước Đà Nẵng thi công sửa chữa hệ thống cống tại nút giao thông Đống Đa - Quang Trung để giảm úng ngập vào mùa mưa.

Dự án Thoát nước và vệ sinh thành phố bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới vừa được bàn giao đưa vào khai thác. Theo đánh giá chung, cơ bản dự án đã thực hiện được mục tiêu thoát nước mưa, khi đã giảm được 95 điểm ngập lụt trên tổng số 150 điểm (hiện thành phố còn 25 điểm trong nội đô và 30 điểm ngoài nội đô).

Ngoài một số nhược điểm của khâu thiết kế như các đập chuyển dòng để ngăn nước thải khi không có mưa đã gây ách tắc khi lượng mưa lớn và sự thiếu đồng bộ của các khớp nối giữa hệ thống cống mới của dự án với các hệ thống cống có sẵn của thành phố... là những điểm mà Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng đã có kế hoạch trình UBND thành phố để khắc phục trong thời gian tới.

Trận mưa kỷ lục kéo dài hơn 1 tuần từ ngày 2-9 đến ngày 8-9 vừa qua, với lượng mưa trên 900mm (tương đương với lượng mưa cả năm của tỉnh Ninh Thuận). Đây là trận mưa lớn nhất hiếm khi xảy ra trên địa bàn thành phố từ hàng chục năm qua. Hàng chục điểm ngập úng trên địa bàn qua trận mưa này đã bộc lộ nhiều bất cập của hệ thống thoát nước và đặt ra cho thành phố những việc phải xử lý tiếp theo trong thoát nước vào mùa mưa.

Có những điểm nước ngập vào nhà dân tới 1,2m như khu vực từ Sân bay Đà Nẵng - Vĩnh Trung và hồ Đò Xu, khu vực cầu Đa Cô, Đầm Rong – Hải Hồ... gây ách tắc giao thông. Việc ngập lụt xảy ra trên diện rộng trong đợt mưa vừa qua còn có nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, một số điểm ngập úng là do việc thi công các công trình trong khu vực này, nên các đơn vị thi công hệ thống cống đã phải ngăn tạm dòng chảy của hệ thống thoát nước để thi công, khi mưa đã được khơi thông nhưng vẫn gây ách tắc, ảnh hưởng đến dòng chảy (khu vực Đầm Rong – Hải Hồ).

Hoặc do việc thi công làm ách tắc các dòng chảy về sông Phú Lộc (công trình thi công Bệnh viện Ung thư)... Tại rất nhiều cửa xả nước ra sông, biển của hệ thống thoát nước (cả hệ thống cũ và hệ thống mới xây dựng bị tắc do rác thải hoặc do những bất cập trong thiết kế như đã nêu trên. Thêm vào đó, một lượng nước quá lớn làm cho hệ thống cống bị quá tải, gây ra úng ngập trên diện rộng.

Ai chịu trách nhiệm?

Một trong những nguyên nhân khá quan trọng là do việc khớp nối giữa hệ thống cũ và mới không đồng bộ. Hiện cả thành phố có khoảng trên 600km đường ống, cống thoát nước, trong đó có khoảng 17,3km cống lớn (rộng từ 3-9m, chủ yếu của hệ thống do Dự án Thoát nước và vệ sinh thành phố xây dựng). Nhưng về cơ bản, hệ thống cống này không chuẩn về cos đường, không thống nhất trong cùng một hệ thống (chẳng hạn như để thoát nước về hệ thống cống chính của khu vực nào đó thì đáy của các đường cống thu gom phải cao hơn đường cống chính thì nước mới chảy được).

Trong thực tế, nhiều chỗ cos của hệ thống cống nước thu gom lại thấp hơn hệ thống cống chính. Vì vậy, thay vì nước phải chảy từ hệ thống cống thu gom về cống chính thì lại chảy ngược lại, làm cho nước không thoát được. Tình trạng khớp nối và không đồng bộ về cos đường của hệ thống thoát nước khu vực KCN chế biến thủy sản Đà Nẵng với hệ thống của đường Sơn Trà-Điện Ngọc, đến hệ thống cống thu gom chính là ví dụ.
 
Hệ thống thoát nước của khu vực này thấp hơn đường ống chính tới 60cm và hậu quả là nước thải không chảy về hệ thống cống thu gom để về Nhà máy xử lý nước thải, mà chảy ngược trở lại, làm cho toàn bộ hệ thống cống thoát nước của KCN này trở thành “hố ga”. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm cho khu vực này vào suốt mùa hè vừa qua.

Những ví dụ như thế khá nhiều và cũng có nhiều “nghiên cứu” về đề tài này mỗi khi trên địa bàn xảy ra úng ngập, nhưng không quy được trách nhiệm cho cơ quan, cá nhân nào. Được biết, việc quản lý xây dựng mọi công trình trên địa bàn, trong đó có việc phê duyệt thiết kế, kể cả việc xét và quyết định cos đường và cấp giấy phép xây dựng (kể cả xây dựng ở các gia đình) thuộc Sở Xây dựng. Việc để cho các công trình Dự án Thoát nước và vệ sinh thành phố - một trong những hạng mục quan trọng bậc nhất đối với việc thoát nước của thành phố, không thể nói là Sở Xây dựng không biết và không có trách nhiệm gì, khi để xảy ra tình trạng xây dựng “lệch pha, lệch cos” gây úng ngập như trên.

Duy tu, bảo dưỡng: kinh phí ít

Một nguyên nhân khác có ý nghĩa quyết định đến tình trạng úng ngập như hiện nay là việc duy tu, bảo dưỡng, nạo vét định kỳ đường cống chưa được coi trọng. Đây là một công việc đặc biệt quan trọng, phải làm thường xuyên, định kỳ để kéo dài tuổi thọ công trình và hạn chế đến mức thấp nhất sự úng ngập.

Ông Mai Mã- Phó giám đốc Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng cho biết: Để hệ thống cống thoát nước hoạt động bình thường, bảo đảm thoát nước kịp thời vào mùa mưa thì trong vòng từ 1 đến 2 năm phải được nạo vét một lần, tùy theo loại cống. Nhưng trong thực tế, hiện có hàng trăm km cống nhiều năm qua không được nạo vét, có đoạn từ khi xây dựng mới đến nay chưa được nạo vét lần nào như hệ thống cống thu gom trên đường Yên Bái, Hùng Vương, toàn bộ hệ thống cống trên đường Nguyễn Tất Thành...

Để nạo vét toàn bộ hệ thống cống trên địa bàn theo định kỳ 2 năm/lần, cần khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng trong thực tế 3 năm qua (từ 2006 đến 2008), kinh phí cho việc nạo vét cống mỗi năm chỉ khoảng 500 triệu đồng. 8 tháng của năm 2009 có khá hơn: 1,2 tỷ đồng. Với số tiền này chỉ có thể nạo vét được 2.700m3 bùn đất trong cống, trong khi toàn bộ hệ thống cống hiện tồn đọng khoảng 100 ngàn m3  bùn đất.

Cần có sự điều chỉnh kịp thời về kinh phí nhằm tăng cường duy tu, bảo dưỡng, cũng như việc chấn chỉnh lại quá trình xét cấp giấy phép xây dựng các công trình theo quy hoạch chung, trong đó đặc biệt là thống nhất và công khai cos đường để các đơn vị thiết kế, mọi người dân biết, để thiết kế các công trình xây dựng theo chuẩn chung, hạn chế đến mức thấp nhất sự “lệch pha, lệch cos” gây úng ngập như đã nêu trên. 

Đồng thời phải tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực xây dựng với các chế tài, mức phạt đủ sức răn đe đối với các đối tượng khi vi phạm các quy trình về xây dựng, bảo đảm thoát nước và vệ sinh môi trường... thì tình trạng úng ngập mới có thể được cải thiện trong những năm tới.

Bài và ảnh: Đ. THỊNH

;
.
.
.
.
.