.

Phát triển phong trào Đoàn ở các trường phổ thông

Trong bối cảnh các nhà trường đang trẻ hóa đội ngũ hiện nay, số lượng giáo viên trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn đang có chiều hướng gia tăng. Đây là điều kiện thuận lợi để chi đoàn giáo viên phát huy vai trò của mình trong các hoạt động chung của nhà trường. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan và chủ quan, chất lượng hoạt động của các chi đoàn giáo viên nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với vai trò, vị trí là chi đoàn kiểu mẫu trong các Đoàn trường.

Trước hết, công tác tổ chức của chi đoàn giáo viên còn nhiều lỏng lẻo, không được chú trọng như chi đoàn học sinh. Việc quản lý sổ đoàn viên hầu như không được thực hiện; chế độ sinh hoạt định kỳ không được duy trì đều đặn; công tác thi đua khen thưởng ít được quan tâm, kéo theo đó là tình trạng xếp loại đoàn viên còn phiến diện, nặng về hình thức, thường là 100% đoàn viên được xếp loại tốt. Những bất cập trong chất lượng hoạt động của chi đoàn giáo viên xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Về phía khách quan, do điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm, nhiều trường hiện nay đang thực hiện dạy học hai ca, công việc chính của giáo viên là lên lớp giảng dạy. Sức ép từ việc phải đầu tư cho công tác chuyên môn và quỹ thời gian hạn hẹp đã ảnh hưởng đến chế độ sinh hoạt định kỳ cũng như việc thu hút đoàn viên là giáo viên vào các hoạt động bề nổi. Sự quan tâm, chỉ đạo của nhà trường, Đoàn trường còn hạn chế, do đó chưa khơi dậy được hết tiềm năng, nội lực của chi đoàn giáo viên trong các hoạt động chung.

Về phía chủ quan, các chi đoàn giáo viên chưa phát huy được sức mạnh tập thể, tâm lý ngại tham gia các hoạt động Đoàn đang có xu hướng lan rộng trong các giáo viên trẻ. Trong khi đó, ban chấp hành các chi đoàn còn tỏ ra bị động, chưa tích cực sáng tạo trong tổ chức hoạt động, đặc biệt là chưa có những giải pháp khả thi trong việc phá vỡ sức ỳ trong tư duy về hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên trong chi đoàn. Các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao chưa thu hút được đông đảo, rộng khắp đoàn viên trong chi đoàn, một mặt là do bản thân mỗi đoàn viên, mặt khác là do công tác tổ chức chưa sáng tạo, hấp dẫn.

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết cần xác định vai trò, vị trí của chi đoàn giáo viên trong Đoàn trường. Mỗi đoàn viên - giáo viên cần thấy được trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia hoạt động trong tổ chức Đoàn Thanh niên. Chi ủy, ban giám hiệu, đặc biệt là Ban Thường vụ Đoàn trường cần có sự quan tâm sát sao, thiết thực hơn trong việc định hướng các hoạt động của chi đoàn giáo viên. Cần xây dựng được đội ngũ ban chấp hành chi đoàn có năng lực, nhiệt huyết, có khả năng thu hút đoàn viên - giáo viên vào các hoạt động tập thể. Bên cạnh đó, việc siết chặt công tác tổ chức, quản lý, xếp loại đoàn viên cần được tiến hành nghiêm túc.

Một trong những vấn đề lớn đặt ra trong công tác Đoàn hiện nay là nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn từ cấp cơ sở. Thiết nghĩ, việc phát huy vai trò, vị trí của chi đoàn giáo viên trong các nhà trường không những là biện pháp để tạo nội lực phát triển cho các Đoàn trường mà còn góp phần gián tiếp thúc đẩy chất lượng dạy và học. 

BÙI MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.