Cùng với các Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phụ trách có mặt tại Đà Nẵng từ ngày 28-9, đã chỉ đạo các địa phương triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống. Tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão ở âu thuyền Thọ Quang và một số khu vực
trọng điểm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác đối phó với bão số 9.Ảnh: N.CẦU |
Do hướng di chuyển của bão số 9 đột ngột chuyển hướng từ Tây Tây Bắc sang hướng Tây Tây Nam nên các địa phương trên sẽ nằm trong vùng tâm bão đi qua. Sau bão sẽ là lũ lớn xuất hiện trên hầu hết các địa phương ở miền Trung. Vì vậy, công tác chống lũ cũng phải được triển khai song song với công tác chống bão.
20h ngày 29-9, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại do bão số 9 triển khai công tác khắc phục hậu quả và phương án phòng chống lũ lớn.
Tại cuộc họp giao ban này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, cho đến thời điểm này, bão số 9 là một trong những cơn bão mạnh lịch sử và dù đi đúng hướng dự báo nhưng diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các địa phương, các Bộ ngành liên quan và các lực lượng, nhân dân địa phương đã có những nỗ lực trong phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão. Đồng thời, gửi lời thăm hỏi đến các gia đình có người bị nạn, yêu cầu các địa phương tập trung lực lượng chăm sóc, hỗ trợ và tổ chức tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm cho người dân không bị thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men và quần áo ấm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh cần ưu tiên thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ những người dân đang bị cô lập, bằng mọi biện pháp, sử dụng hàng không ngay khi có thể để cứu dân. Đồng thời, cảnh giác với mưa lũ tiếp tục và kịp thời di dời các hộ bị đe dọa ở ven sông, suối và vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Các lực lượng quân đội tiếp tục làm nòng cốt, tăng cường đến Quảng Ngãi, Kon Tum cứu hộ, cắm biển báo, giám sát các điểm giao thông nước chảy xiết, ngập sâu để tránh hậu quả đáng tiếc cho người tham gia giao thông bị lũ cuốn.
Địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm cho dân về cung cấp lương thực, nước sạch, quần áo ấm, thuốc chữa bệnh. Ngành GTVT khắc phục điểm giao thông bị chia cắt, đặc biệt là khôi phục cầu bị sập ở quốc lộ 24. Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung khôi phục hệ thống lưới điện đang bị sự cố diện rộng, ưu tiên điện cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất để sớm trở lại vân hành bình thường.
N.CẦU và T.T