Các điểm ngập cục bộ chưa từng thấy trong những mùa mưa trước đang được quận Liên Chiểu tập trung giải quyết. Gần 15 điểm ngập cả mới lẫn cũ nằm ở nhiều khu dân cư làm bà con và cả nhà quản lý khốn đốn, trong đó bị nặng nhất là khu vực Hòa Minh và Hòa Khánh Nam.
Nước ứ vì không kịp thoát
Liên Chiểu hy vọng sau khi hệ thống cống rãnh được khơi thông, cảnh ngập sâu như vậy sẽ không tái diễn trong mùa cao điểm mưa lũ. |
Nguyên nhân ngập úng, theo ông Phạm Hồng Quang – Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, chủ yếu là do thiết kế đường ống thoát nước của các dự án trong vùng không đủ lớn, khiến bèo, rác bị mắc lại với số lượng lớn, không cho nước chảy.
Thêm vào đó, việc xây dựng nhà cửa nóng vội của nhiều bà con ở các nơi trũng thấp, không theo quy chuẩn nào cũng góp phần làm nước ứ. Hệ thống đường bê-tông không có mương thoát nước kịp là lý do làm một số tổ dân phố sau lưng KCN Liên Chiểu ở phường Hòa Hiệp Bắc ngập 30-40cm trong mưa lớn. Ở trên đường Hoàng Văn Thái (đường vào Khách sạn Xanh), anh Nguyễn Ngọc Trông, tổ 12 Đà Sơn, Hòa Khánh Nam lý giải: “Trước kia nhà cao hơn mặt đường 50cm, chừ mặt đường cao lên 90cm, nhà thấp hơn thì nước tuôn vào”.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: “Trước đây, tình trạng ngập cục bộ chưa từng xảy ra, nên kinh nghiệm ứng phó lẫn phương tiện di chuyển bà con ra khỏi vùng nguy hiểm đều thiếu. Để đến được những vùng bị cô lập, chúng tôi phải đi vòng”. Các ca-nô được trang bị tại địa phương cũng không thể chạy được trong không gian nhà cửa, phố xá đan xen, mà chỉ dùng để đẩy tài sản, con người ra khỏi vùng nước.
Hiện Liên Chiểu đã dự phòng lều bạt, phòng trường hợp bão, lụt lớn sẽ căng che cho bà con ở tập trung. Đồng thời, theo ông Thiết, Liên Chiểu đang rất cần được cung cấp thêm nhiều phao bè nhựa, và bố trí mỗi tổ dân phố bị ngập nặng một thúng nhựa composit và phao cứu sinh để bà con chủ động di dời khi cần thiết.
Vét cống, vớt bèo
Sau đợt mưa lớn đầu tiên, UBND quận Liên Chiểu đã tiến hành nạo vét, khơi thông khoảng 50m cống, rãnh trên tuyến đường công vụ phục vụ cho công trình Bệnh viện Ung thư, giúp nước ở các vùng Hòa Minh, Hòa Khánh thông thương. Tương tự, việc khơi 300m mương ở KDC Hòa Mỹ mở rộng “cứu nguy” cho vùng Đà Sơn, Khánh Sơn trong những đợt mưa lũ mới. Lượng bèo lục bình và rác khổng lồ làm tắc nghẽn các cống rãnh được vớt sạch.
Riêng ở phường Hòa Khánh Nam, ông Phạm Hồng Quang nhẩm tính số bèo vớt xong là gần 10 tấn. “Chúng tôi phải múc liên tục 3 tiếng đồng hồ. Chỗ nào xe cẩu không tới được, phường phải huy động lực lượng dân quân, tổ dân phố và cán bộ phường vớt bèo bằng tay”. Cũng theo ông Quang, phường đưa những điểm trũng thấp, có nguy cơ ngập úng trong mưa lũ vào “danh sách đen” để tập trung khơi thông toàn bộ.
Với tất cả những nỗ lực như trên, ông Thiết kỳ vọng: “Sẽ giảm bớt áp lực ngập cục bộ cho toàn quận. Nếu không thể giải quyết được hoàn toàn, chúng tôi vẫn tin là sẽ làm giảm mức nước đến 50% ở các vùng ngập nặng”. Ông Quang chia sẻ: “Thực tình, chúng tôi cũng mong trời mưa to một trận, coi thử những cố gắng của địa phương có đem lại kết quả mong đợi không, hay cần phải chỉnh sửa chỗ nào. Nếu không, trong mùa cao điểm mưa lũ, chúng tôi chỉ có thể đổ dồn vào việc di dân và ứng cứu, không thể lo việc chống ngập được nữa”.
Ông Phạm Hồng Quang – Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu: “Làm cầu cống nơi nào phải có sự tham gia của “già làng” nơi đó” |
Bài và ảnh: HẰNG VANG