So với một số nội dung khác, vấn đề đoàn kết được Hồ Chí Minh viết lần đầu vào tháng 5-1965 và sau đó không có bổ sung, điều chỉnh. Điều này chứng tỏ vấn đề đoàn kết hoàn toàn được khẳng định một cách chắc chắn từ truyền thống đến hiện đại.
Đoàn kết là một phạm trù rộng, có nhiều cấp độ, liên quan tới nhiều vấn đề, nhưng tại sao Hồ Chí Minh lại đặt lên đầu trong vấn đề “trước hết”, tức là vấn đề Đảng. Người viết: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, đại biểu cho lợi ích của giai cấp và cả dân tộc. Ngay từ lúc ra đời, Đảng đã cắm rễ sâu trong lòng dân tộc. Điều này hoàn toàn khác Đảng cộng sản ở các nước tư bản, nơi lực lượng công nhân chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư. Cuộc đồng hành của Đảng ta cùng toàn thể dân tộc Việt Nam ngay từ khi Đảng ra đời là một đặc thù riêng có của Đảng Cộng sản ra đời ở một nước thuộc địa như Việt Nam. Đảng gồm những người ưu tú nhất của giai cấp và dân tộc mà không gương mẫu, không đoàn kết thì “làng nước không theo”.
Từ năm 1945, sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, sứ mệnh của Đảng vô cùng to lớn. Đảng lãnh đạo Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, lãnh đạo toàn xã hội. Khi chưa cầm quyền, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng là lãnh đạo toàn dân xóa bỏ chính quyền của giai cấp bóc lột thực dân - phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, Đảng cần phải đoàn kết toàn dân tộc.
Khi trở thành cầm quyền, nhiệm vụ lớn lao nhất của Đảng là lãnh đạo toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ thắng bần cùng lạc hậu là một loại nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với thắng đế quốc và phong kiến, cần nhiều động lực, nhưng quan trọng nhất là đoàn kết, Đảng càng cần phải đoàn kết, không chỉ đại đoàn kết dân tộc mà còn phải đoàn kết quốc tế. Nói chuyện với anh chị em công chức ở thủ đô ngày 30-11-1954, sau khi nêu công việc nhiều, phức tạp với nhiều thuận lợi và nhiều khó khăn, Hồ Chí Minh khẳng định: “Để phát triển những thuận lợi và khắc phục những khó khăn, điều cần thiết nhất cho chúng ta là đoàn kết” (1).
Di chúc cho ta nhận thức một bài học kinh nghiệm quý báu về đoàn kết. Dưới ánh sáng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết của dân ta, thổi vào sức mạnh đoàn kết truyền thống những giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Hồ Chí Minh nói rõ nhờ trong Đảng đoàn kết chặt chẽ, nên đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
hư vậy, từ đoàn kết truyền thống đến đoàn kết hiện đại, từ đoàn kết dân tộc đến đoàn kết trong Đảng, đã làm nên thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, vấn đề giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng là hết sức quan trọng, như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Điều cần quán triệt và thấm nhuần là đoàn kết được thực hiện trước hết từ các đồng chí Trung ương. Trung ương là cấp lãnh đạo cao nhất. Đây là bộ phận chính, quan trọng nhất, có tác dụng chi phối các bộ phận khác có liên quan. Còn tổ chức Đảng cơ sở như chi bộ lại là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
Mỗi một tổ chức, dù ở Trung ương hay chi bộ, nhưng đều nằm trong mạch máu của Đảng và truyền đến nhân dân. Các đồng chí từ Trung ương mà không đoàn kết thì vai trò của “điểm mẹ”, của tấm gương, của bộ não chỉ huy sẽ mờ nhạt, thậm chí tê liệt. Các chi bộ mà không đoàn kết thì sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo trực tiếp sẽ thấp, thậm chí mất vai trò lãnh đạo. Vì vậy, phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt.
Có nhiều cách thực hiện đoàn kết, nhưng Di chúc chỉ ra một cách được coi là tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đó là trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.
Thực hành dân chủ rộng rãi gắn bó chặt chẽ và xuất phát từ phê bình và tự phê bình. Phê bình là một biểu hiện nổi bật, một giá trị của dân chủ. o với các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thời phong kiến và sau đó là việc thành lập các nhà nước phong kiến, thì thắng lợi quan trọng nhất của cuộc đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo là lập nên Nhà nước Cộng hòa Dân chủ.
Điều này đã được Hồ Chí Minh nói rõ khi bàn về các nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ” (2).
Dân chủ là thước đo sự khác biệt giữa chế độ mới do Đảng lãnh đạo với chế độ cũ, bóc lột. Dân chủ là một giá trị văn hóa; là của quý báu nhất của người dân; là chìa khóa vạn năng, là động lực, mục tiêu của cách mạng. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và để dân làm chủ. Dân chủ sẽ đem lại sáng tạo, mở mang và tập trung được trí tuệ, nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái của đảng viên và quần chúng.
Ngay sau khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới dân chủ trong Đảng và cách lãnh đạo dân chủ. Người đã phát hiện ra tình trạng không dân chủ trong Đảng: “Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế” (3). Hồ Chí Minh thấy rõ tác hại của cách lãnh đạo không dân chủ. Đó là các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau.
Quần chúng với Đảng xa rời nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác. Họ không nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác.
Thiếu dân chủ trong Đảng thì hậu quả khôn lường: “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản” (4).
Phê bình là một nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển Đảng, là vũ khí sắc bén của Đảng, là thang thuốc hay nhất để chữa các bệnh trong Đảng. Phê bình và tự phê bình không những để sửa chữa khuyết điểm trong Đảng, làm cho đảng viên tiến bộ và mạnh lên, mà còn khẳng định một Đảng thật sự chân chính cách mạng, tăng cường, mở rộng dân chủ và giữ được uy tín của Đảng.
Đảng mạnh không phải nhờ khéo léo che giấu khuyết điểm, nhìn khuyết điểm ở nguyên nhân khách quan, cán bộ, đảng viên giỏi che chắn, mà ngược lại. Nói về Đảng, “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (5).
Dân chủ là dân làm chủ. Dân chủ trong Đảng là đảng viên làm chủ, có quyền nói, có quyền đề ra ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình để tìm ra cái gì có lợi cho dân, cho cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, phải “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, muốn tăng cường đoàn kết thật sự trong Đảng, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng.
Dân chủ bằng cách thật thà tự phê bình và phê bình kết hợp với hoặc dựa trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì nhất định tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Bởi vì, đó là sự phê bình của những người cùng chí hướng, cùng mục đích, cùng lý tưởng. Mặt khác, dân chủ, sáng kiến, hăng hái rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái. Nhiều sáng kiến và hăng hái làm việc thì thêm đoàn kết, khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa được nhiều.
Bốn mươi năm đọc lại Di chúc vẫn thấy không cũ và tươi rói vấn đề hàng ngàn năm trước. Di chúc đã vạch ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững hoàn cảnh dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận, phân tích vấn đề đoàn kết một cách khách quan, khoa học và cách mạng, vừa phát huy được truyền thống đoàn kết của dân tộc, vừa phù hợp tư duy của thời đại. Cũng vì vậy, vấn đề đoàn kết trong Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.7. tr. 391.
(2) Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.8.
(3) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.243.
(4) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.280.
(5) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.261.
.
.
Tư duy mới về đoàn kết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ Tư, 02/09/2009, 08:01 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.