Có quá nhiều những bài báo viết về căn cứ K20, nhiều nhà văn, nhà thơ đã lấy cảm hứng từ K20 để viết nên những vần thơ, áng văn sống động. Thế nhưng cho đến nay, K20 vẫn tiềm ẩn nhiều điều lý thú, bất ngờ. K20 – nơi hầm bí mật “nhiều như hang dế”, nơi ghi dấu “phong trào mít-tinh chùa Khuê Bắc” và nhất là nơi “lính Mỹ gác cho dân ta truy điệu Bác Hồ”…
Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh…
Toàn cảnh chùa Khuê Bắc năm 1969, ảnh do một lính Mỹ chụp tặng cho ông Chê năm 1978. |
Tôi nói về mẹ Mua, bởi chính mẹ đã từng là một trong những nhân vật tạo nguồn cảm hứng để nhà thơ Dương Hương Ly viết nên tác phẩm nổi tiếng “Đất quê ta mênh mông”. Một lần đi thực tế tại K20, một ông Chủ tịch phường Bắc Mỹ An ngày ấy nói với tôi rằng: “Hầm bí mật tại đây nhiều như hang dế!’.
Thật không có từ ngữ nào diễn tả được sinh động và hay hơn cụm từ này! Nhìn một vùng mênh mông cồn bãi, xanh rờn ruộng lúa của K20 ngày ấy và bây giờ; đi khắp làng từ xóm Đồng đến Đa Mặn để “chộ” dấu tích những căn hầm bí mật còn lại trong các ngôi nhà 3 gian của những người mẹ nghèo tại đây, tôi tin có rất nhiều bà mẹ tại Đa Mặn “phơ phơ tóc bạc”, “chong đèn đứng gác” cho cán bộ, bộ đội bên tê Trung Lương, Lỗ Sài sớm tối đi về ngày xưa ấy. Và dĩ nhiên, ký ức học đường của tôi, bài thơ “Đất quê ta mênh mông” là cho tất cả những bà mẹ miền Nam song chiều nay như vỡ òa, khi tôi đứng trước khuôn viên nhà mẹ Mua.
“Phong trào mít-tinh Khuê Bắc”
Chùa Khuê Bắc nằm trên một nổng cát lớn, ngôi chùa được xây dựng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nó là một “chùa làng”, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân trong vùng. Khi tôi đến, chùa xưa vẫn còn đó. Những mái ngói bị xô dạt bởi thời gian. Chùa nằm khuất giữa một vườn cây ăn quả xanh um.
Chính ngôi chùa này đây, gần 40 năm trước, làm dấy lên phong trào “mít-tinh Khuê Bắc” và sự kiện người dân căn cứ cách mạng K20 đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ giữa mũi lê, họng súng của kẻ thù. Nhà thơ Phan Duy Nhân (tức Nguyễn Chính) có lần kể với tôi: “Hồi tháng 3-1965, trong vùng đóng quân của Mỹ, hầu hết các đình, chùa, miếu bị xâm phạm, phá hoại nhưng nghiêm trọng nhất là quân Mỹ dẹp bỏ tượng Phật tại chùa Khuê Bắc, nằm ngủ ngay trên chính điện, gây xúc động và phản ứng mạnh của nhân dân Đà Nẵng.
Trước tình hình đó, đồng chí Hồ Nghinh triệu tập Ban Cán sự phụ trách Đà Nẵng vào Điện Bàn để họp và chỉ đạo phải cùng đồng bào phật tử kiên quyết đấu tranh chống sự phá hoại đó của quân Mỹ. Một phong trào xuống đường “mít-tinh chùa Khuê Bắc” chưa từng có đã diễn ra tại Đà Nẵng với hàng vạn học sinh, sinh viên và tăng ni, phật tử, làm cho quân Mỹ phải chính thức xin lỗi và hứa không xâm phạm vào chùa nữa!”.
Tôi đã tiếp cận “sự kiện chùa Khuê Bắc” không chỉ qua lời kể, mà còn thấy rõ hình ảnh chùa này trong các báo trong và ngoài nước hiện còn được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh. Mới hay, ngôi chùa mà tôi đứng đây nổi tiếng biết dường nào.
Ông Nguyễn Chê - người hiện được phân công coi giữ di tích K20 suốt gần 20 năm qua, nơi có khuôn viên chùa Khuê Bắc đã dẫn tôi đi chụp lại các di tích, nơi làm lễ truy điệu, các hiện vật liên quan đến K20 và chùa Khuê Bắc. Ông cho tôi xem hai tấm ảnh do một lính Mỹ chụp vào đúng thời điểm năm 1969.
Ông nói: “Vào năm 1978, một người lính Mỹ quay trở lại Đà Nẵng, ông ấy tìm đến gặp tôi và cho biết mình từng đóng quân tại K20 trong 3 năm trời. Ông ta đã tặng cho tôi 2 tấm ảnh chụp về chùa Khuê Bắc. Anh nhìn ảnh này thì biết xem, chùa Khuê Bắc nằm giữa một nổng cát trắng, lại lọt thỏm vào khu đồn bót của Mỹ-ngụy quanh Nước Mặn. Cạnh chùa lại có một đồn Mỹ! Rứa mà chúng tôi đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ tại đây vào năm 1969!”.
Lính Mỹ gác cho dân ta truy điệu Bác Hồ
Ông Nguyễn Chê đứng trước chùa Khuê Bắc, nơi truy điệu Bác Hồ. |
|
“Cái tang của ông Cụ quá lớn đối với chúng tôi lúc đó. Để tưởng nhớ Bác, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu Người tại chùa Khuê Bắc, đồng thời chỉ đạo cho cán bộ, cơ sở hợp pháp tại căn cứ Nước Mặn vận động và thông qua Ban trị sự Phật giáo chùa Khuê Bắc tổ chức lễ truy điệu và dâng hương Bác Hồ.
Buổi lễ được tổ chức vào ngày 8-9-1969, hàng trăm người ở khối Nước Mặn và Đa Phước đến dự. Bàn thờ Bác có treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, vòng hoa, băng-rôn!”. Cụ Lâm nhớ như in cái thời khắc bà cầm từng chiếc băng tang trao cho mỗi người đến dự lễ, trong khi ngoài kia bọn Mỹ liên tiếp đảo qua, đảo lại để tuần tra!”.
Cùng một cảm xúc như nhau, cả ông Nguyễn Chê và Huỳnh Vấn đều không khỏi xúc động khi kể về buổi lễ truy điệu hôm ấy: “Trời hôm ấy mây mưa sùi sụt. Không gian một màu ảm đạm. Hàng trăm người bỗng lặng đi, nước mắt chảy vào trong. Những ánh mắt nhìn nhau tối sầm lại. Cái tang quá lớn, nỗi đau quá sâu nặng trùm lên xóm làng.
Mọi người nhìn nhau chỉ biết khóc thầm. Đà Nẵng đã một lần Người anh hùng dân tộc đi qua trước khi xuất dương tìm đường cứu nước. Chúng tôi chiến đấu, hy sinh là khát vọng Bắc - Nam một nhà, là mong một ngày đón Bác vào thăm khi nước nhà thống nhất! Hình ảnh Bác Hồ có sức thuyết phục và lan tỏa rất lớn lúc bấy giờ tại Đà Nẵng. Ngay ông Hồ Nên - một ấp trưởng của chính quyền địch, người có cảm tình với cách mạng, được tin Bác mất, đã tự động mời ba bốn nhà chung quanh đến nhà ông, giả vờ ăn đám giỗ để tổ chức làm lễ truy điệu Bác Hồ. Những ngày ấy không phải dễ dàng đi tìm mua vải đen vải trắng, vì địch để ý.
Chủ hiệu có thể biết, nhưng cái tang Ông Cụ quá lớn không ai nỡ làm việc gì trái đạo lý. Do đó, những thước vải chịu tang ấy lướt qua được ngay trước mũi súng bọn lính Mỹ gác đường!”. Chúng tôi đang thắp hương cúng vái Bác Hồ thì bất ngờ bọn Mỹ ở đây tràn đến. Bọn chúng có cả trăm tên, súng ống đầy người sẵn sàng nhảy xổ vào. Một vài tên Mỹ xấn đến định bước vào chùa. Lập tức một số em nhỏ bám riết giữ lấy chúng để “hế-lô!”. Một tên Mỹ liền chỉ tay vào ngôi chùa đầy người hỏi “Họ đang làm gì trong đó?”. Các em đã sẵn câu trả lời: “Cúng chùa!”. Vậy là mấy tên lính Mỹ lảng ra, đứng gác xớ rớ quanh đó, trong khi chúng tôi làm lễ truy điệu Bác Hồ!”.
Tôi nhìn chùa Khuê Bắc xưa qua ảnh, rồi nhìn ngôi chùa trên thực tế mà thấy chạnh lòng. Như hiểu ý tôi, bà vợ ông Chê nói: “Cái tháp chuông bên trái vừa bị họ đập để… xây mới. May nhờ chính quyền địa phương buộc phải dừng lại kịp thời, không thì bị đập luôn rồi! Nó có cũ, có hư thì trùng tu sửa chữa, răng lại đập bỏ đi! Đây là nơi ghi dấu chiến tích của nhân dân K20 (nay là phường Khuê Mỹ), nơi chúng tôi đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ từ 40 năm trước!”.
Ai đã đến K20, ai đã đứng trước chùa Khuê Bắc, những ai từng diện kiến hai tấm hình người lính Mỹ chụp năm xưa, sẽ hình dung mức độ khốc liệt tại K20: Sự nghèo khó của “những người mẹ đào hầm”, tính biểu trưng của lễ truy điệu Bác Hồ của người dân nơi đây khi Người vừa mất. Bởi, K20 là mục tiêu đánh phá quyết liệt nhất của Mỹ-ngụy tại Đà Nẵng; K20 kiên cường, gan góc qua lửa đạn chiến tranh, vì người dân luôn hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ…
Bút ký của LƯU ANH RÔ