Tháng 2-2009, sau khi UBND xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang công bố Quyết định của UBND thành phố về việc quy hoạch xây dựng Dự án Khu công nghiệp-công nghệ thông tin (KCN-CNTT), hàng chục hộ dân tại 3 thôn Hòa Khương, Phước Thuận, Phước Hậu (xã Hòa Nhơn) chạy đôn chạy đáo vay tiền “nóng” mua vật liệu xây dựng (VLXD) xây nhà, tường rào… chờ đền bù. Thế nhưng, khi dự án chuyển địa điểm quy hoạch về xã Hòa Liên (Hòa Vang), hàng chục hộ dân đã lâm cảnh nợ nần, còn những căn nhà đã xây có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Sau khi dự án KCN-CNTT được chuyển địa điểm quy hoạch về xã Hòa Liên (Hòa Vang), hàng chục hộ dân tại 3 thôn Hòa Khương, Phước Thuận, Phước Hậu (xã Hòa Nhơn) bị “vỡ mộng” vì xây nhà chờ giải tỏa của dự án này. Ông Nguyễn Đặng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết:
Tháng 2-2009, sau khi chính quyền địa phương công bố Quyết định của thành phố về việc quy hoạch Dự án KCN-CNTT trên địa bàn xã thì 2 tháng sau đã có hàng trăm ngôi nhà và những bức tường rào tại 3 thôn nằm trong vùng quy hoạch của dự án này mọc lên một cách nhanh chóng. Theo khảo sát của chính quyền địa phương, hiện có khoảng gần 20 trường hợp xây dựng nhà, hơn 50 trường hợp khác xây dựng tường rào, các công trình phụ. Hầu hết những căn nhà, tường rào được xây qua loa, không bảo đảm chất lượng… và có thể bị sập đổ khi mùa mưa bão đang đến gần.
Khảo sát tại thôn Phước Thuận cho thấy, dường như nhà nào cũng có tường rào, phần nhiều được xây vội vã, đơn giản, không tô tường nên đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt. Theo trưởng thôn Phước Thuận: Sau khi nghe tin thôn Phước Thuận sẽ phải nhường một phần đất để xây dựng dự án KCN-CNTT, cũng là thời điểm cả làng đổ xô đi mua VLXD về xây nhà, tường rào, trồng cây; thậm chí đào cả ao nuôi cá để chờ giải tỏa kiếm chút tiền đền bù.
“Nhà nào không có tiền xây nhà thì đi vay tiền “nóng”, thậm chí có nhà bán cả trâu bò để lấy tiền xây thêm 1-2 căn nhà nữa” - trưởng thôn Phước Thuận cho hay. Thấy dân tình đua nhau xây nhà, anh Huỳnh Ngọc Hồng (thôn Phước Thuận) cũng đứng ngồi không yên nên đành chạy đôn chạy đáo vay 30 triệu đồng với lãi suất 3% về xây đoạn tường rào dài gần 100m bao quanh khu nhà mình.
Bất ngờ dự án chuyển địa điểm quy hoạch, đền bù đâu chẳng thấy, chỉ tính sơ qua tiền lãi hằng tháng phải trả gần 1 triệu đồng; hơn nữa bức tường mỗi ngày xuất hiện nhiều vết nứt và có thể sập đổ, đe dọa đến tính mạng không chỉ đối với người nhà mà cả những người đi đường. Tương tự, nhà anh Huỳnh Bá Cầu cũng phải mắc nợ hơn 50 triệu đồng vì vay tiền về xây nhà với ý định hưởng lợi từ tiền đền bù.
Hàng chục hộ dân của 2 thôn Phước Hậu và Hòa Khương cũng lâm vào cảnh “ngồi trên đống lửa” khi trót vay tiền làm nhà chờ đền bù. Đơn cử như vợ chồng anh Thí, chị Hưng (thôn Hòa Khương), trong khi hai vợ chồng vẫn đang phải sống trong căn nhà tạm bợ, thế nhưng anh Thí lại mạnh tay chi gần 10 triệu đồng xây tường rào trước nhà và hòn non bộ trong sân.
Gần 100m tường rào ở trước nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn do xây dựng ẩu, không có móng mà chỉ gắn kết những viên gạch bằng vữa mác thấp để chờ đền bù. “Gần chục triệu đồng đổ vào các công trình này do người anh rể cho mượn, chứ vợ chồng tui lấy đâu ra tiền. Hôm trước anh rể cần tiền, vợ chồng tui cố gắng lắm mới xoay xở trả được 2 triệu đồng, số tiền còn lại không biết kiếm đâu ra” - chị Hưng rơm rớm nước mắt nói.
Mặc dù trước khi công bố Quyết định quy hoạch dự án, UBND xã Hòa Nhơn đã tổ chức họp dân để vận động bà con không được xây dựng công trình nằm trong khu vực quy hoạch; đồng thời tổ chức đi kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các trường hợp xây nhà, tường rào trái phép, thế nhưng vì hám lợi nên nhiều hộ vẫn cố tình lén lút xây dựng để rồi phải gánh chịu hậu quả.
Cũng theo chính quyền xã Hòa Nhơn, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân đua nhau xây nhà, xây tường rào tại 3 thôn trên là do trước khi công bố quy hoạch, chủ đầu tư không tiến hành cắm mốc chi tiết, không quay phim, chụp ảnh thực địa nên địa phương khó quản lý việc xây dựng của người dân.
Vậy đối với những công trình đã xây dựng không bảo đảm an toàn, xã sẽ xử lý như thế nào? Chủ tịch xã Hòa Nhơn - ông Nguyễn Đăng Dự cho rằng: “Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu các hộ dân kiên cố lại những ngôi nhà xây theo kiểu chờ giải tỏa. Còn đối với những công trình không bảo đảm chất lượng, chính quyền xã sẽ yêu cầu người dân phải tháo dỡ”.
PHƯƠNG ANH
.
.
“Vỡ mộng” vì xây nhà chờ giải tỏa
Thứ Hai, 07/09/2009, 08:58 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.