(ĐNĐT) - Sân bay Đà Nẵng là một trong “3 điểm nóng” ô nhiễm dioxin từ chất khai quang của Mỹ trong chiến tranh. Có khoảng 85.000m³ đất ở đây nhiễm dioxin. Hiện có ba địa điểm được xác định là nhiễm dioxin nặng nhất tại sân bay Đà Nẵng là hồ Sen, khu kho chứa và khu nạp rửa
Một góc sân bay Đà Nẵng, nơi trước đây là kho chứa chất da cam (Ảnh: Website thành phố Đà Nẵng) |
Xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà nẵng đang là vấn đề ưu tiên hàng đầu phải giải quyết của Ban chỉ đạo 33, Bộ Tài Nguyên-Môi trường.
Làm “quan tài” tạm thời cho dioxin
Từ tháng 10 -2007, các đơn vị xử lý dioxin của Bộ Quốc phòng đã khoanh vùng đổ một lớp bê tông lên vùng ô nhiễm, xây bể lọc có than hoạt tính để hấp phụ dioxin. Với biện pháp đó, sẽ ngăn chặn được tạm thời dioxin.
Theo tiến sỹ Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33: "Để tẩy độc vĩnh viễn, chúng tôi lựa chọn phương pháp chôn lấp tích cực, nghĩa là chúng ta hình dung, đất bị ô nhiễm dioxin sẽ được chôn lấp trong một quan tài bằng bê tông, bằng vải kỹ thuật". Sau khi xử lý xong, khu vực chôn đất ô nhiễm dioxin có thể được sử dụng làm công viên là cách nói để ông Lê Kế Sơn cho thấy rằng, khu vực này không nên được sử dụng vào những công trình chuyên môn của sân bay quốc tế Đà Nẵng, chẳng hạn như làm đường băng.
Vì thế, Ban 33 đã dự định sẽ bàn với các cơ quan có liên quan để chọn nơi chôn lấp dioxin ở vị trí không dùng phát triển đường băng sân bay sau này. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.Trong khi các biện pháp khắc phục hậu quả được triển khai thì các nhà chuyên môn cũng khuyến cáo rằng, các biện pháp xử lý dù là tạm thời hay vĩnh viễn cũng không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn. Vì thế, người dân cần phải biết cách bảo vệ mình.
Ông Lê Kế Sơn khuyến cáo: "Một yêu cầu cơ bản đối với nhân dân và chiến sỹ đóng quân ở sân bay Đà Nẵng là tuyệt đối không được nuôi trồng và khai thác thủy sản ở các hồ gần sân bay Đà Nẵng, bởi vì nhiễm độc dioxin ở người chủ yếu qua đường thức ăn, mà nếu chúng ta làm được điều đó thì sẽ ngăn chặn được cơ bản nhiễm độc dioxin ở người sống lân cận khu vực sân bay Đà Nẵng".
Những biện pháp xử lý đã được lên kế hoạch tiến hành, những lời khuyên cho người dân đã được đưa ra. Tất cả chỉ còn chờ hiệu quả của những bước đi này.
Tại cuộc gặp với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngày 7-9, Tiến sĩ Kevin Teichman, Chủ tịch Ủy ban cố vấn hỗn hợp Việt-Mỹ về vấn đề dioxin, cho biết sẽ chọn sân bay Đà Nẵng làm điểm về xử lý dioxin bằng công nghệ sinh học. Sau khi có kết quả triển khai thí điểm sử dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực sân bay Đà Nẵng, Mỹ sẽ sớm triển khai dự án hỗ trợ Đà Nẵng khắc phục xử lý môi trường và cải thiện sức khoẻ con người với kinh phí khoảng 3 triệu USD.
Tiến sĩ Kevin Teichman cho rằng việc tẩy rửa chất độc dioxin tại "điểm nóng” sân bay Đà Nẵng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của Chính phủ hai nước Việt Nam và Mỹ. Hiện nay, khu vực này đã được xây dựng hàng rào phong toả nhằm ngăn chặn sự lan tỏa của chất độc ra môi trường. Tuy nhiên, kế hoạch lâu dài là phải xử lý triệt để. Vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác hơn nữa giữa Chính phủ hai nước. Theo kế hoạch, vào cuối tháng 9 này, Ủy ban Tư vấn hỗ hợp về chất độc da cam Hoa Kỳ sẽ có một bản đánh giá tổng thể chính thức về tác động môi trường và dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Đây là cơ sở để hai bên cũng đẩy nhanh tiến độ tẩy rửa dioxin tại Đà Nẵng.
Chậm giải ngân khoản chi xử lý dioxin
Hỗ trợ cho những biện pháp xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng có một tổ chức phi chính phủ của Mỹ. Quỹ Ford từ hai năm nay đã tài trợ cho các dự án, trước hết là xác định mức độ ô nhiễm trong sân bay, sau đó là ngăn chặn sự lan tỏa của dioxin ra khu vực dân cư.
Trong hai năm qua, qũy Ford đã tài trợ 4 triệu USD cho việc xử lý hậu quả dioxin ở Việt Nam và sắp tới sẽ còn chi tiếp 7,5 triệu USD nữa. Những khoản tiền tài trợ này được quỹ Ford dành cho các dự án ở cả hai lĩnh vực: xử lý ô nhiễm môi trường và khắc phục hậu quả đối với sức khỏe con người.
Đi sau quỹ Ford, trong vòng 1 năm trở lại đây, Chính phủ Mỹ cũng đã bắt đầu đồng ý chi những khoản tiền cho việc khắc phục hậu quả môi trường ở sân bay Đà Nẵng, mới đây nhất là khoản 3 triệu USD mà trong đó, lần đầu tiên Mỹ đã nói đến việc chăm sóc sức khỏe con người, cụ thể là cộng đồng dân cư sống gần nơi ô nhiễm.
Tại cuộc họp thường niên thứ tư của Ủy ban tư vấn hỗn hợp Việt-Mỹ về vấn đề dioxin từ ngày 8 đến 10-9 tại Hà Nội, ông Lã Xuân Cường, Phó Ban chỉ đạo 33 cho biết, hiện các khoản tài trợ nhằm tẩy rửa chất độc dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ, dẫn đến khó khăn cho việc tẩy rửa ở khu vực này.
Trong kỳ họp này, hai bên bàn chi tiết về hợp tác song phương trong việc thực hiện các biện pháp về môi trường và y tế trong năm qua, cùng với những đóng góp đáng chú ý của cộng đồng các nhà tài trợ rộng lớn hơn. Phát biểu tại buổi họp, ông Lã Xuân Cường khẳng định: Việt Nam đã cố gắng khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin trong điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt ưu tiên xử lý những vùng ô nhiễm nặng, chăm sóc sức khoẻ nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Ông Cường đề nghị trong lần họp này, hai bên cần đặc biệt chú trọng bàn đến các biện pháp chăm sóc những đối tượng gặp khó khăn, đặc biệt là trẻ em khuyết tật do nhiễm độc hoá học từ thế hệ trước.
Ông Cường cũng thông báo, đầu năm 2009, Chính phủ Mỹ đã thông qua quyết định cấp thêm 3 triệu USD để trợ giúp thêm các hoạt động y tế và tẩy nhiễm dioxin tại Việt Nam. Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các dự án về y tế và dự án dành cho người khuyết tật đang được thực hiện tại Đà Nẵng, đặc biệt là khu vực sân bay. Tuy nhiên, hiện khoản tài trợ này vẫn chưa thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ.
HOÀNG ANH