(ĐNĐT) - Sáng nay 31-10, bão Mirinae đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) và đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 11 hoạt động trên vùng biển này
Dự báo hướng đi của bão số 11 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương |
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 8 giờ ngày 31-10, vị trí tâm bão 11 ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 120,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 11 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 7 giờ ngày 1-11, vị trí tâm bão vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc, 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 250 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 11 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 7 giờ ngày 2-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc, 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định – Bình Thuận khoảng 150 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 11 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 7 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc, 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Khoảng gần sáng và ngày mai (1-11), bộ phận không khí lạnh này sẽ tràn xuống các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi.
Đã thông báo, hướng dẫn cho 4.461tàu/ 31.240 lao động
Chiều ngày 30-10, Phó Thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương để triển khai đối phó với bão số 11.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành phố tiếp tục thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các chủ phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu đánh bắt hải sản, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm được xác định là vùng biển từ phía nam vĩ tuyến 17 đến phía bắc vĩ tuyến 10. Rà soát, có phương án chủ động đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước và hạ du đề phòng mưa lũ lớn do bão. Kiểm tra, rà soát, chuẩn bị phương án “4 tại chỗ”, tăng cường dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực có khả năng bị chia cắt khi có bão lũ, đặc biệt đối với các địa phương bị ảnh hưởng nặng của bão số 9 để chủ động đối phó khi mưa bão xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn để chủ động xử lý các tình huống.
Theo báo của Bộ tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến chiều ngày 30-10, Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên tuyến biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho 4.461tàu/ 31.240 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, cụ thể như sau:
Hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa có 33tàu/474 lao động (Đà Nẵng: 9 tàu/115 lao động, Quảng Ngãi: 24 tàu/359 lao động); khu vực quần đảo Trường Sa có 21tàu/470 lao động; hoạt động ven bờ và các vùng biển khác: 4.407 tàu/30.296 lao động (Đà Nẵng: 225 tàu/1.225 lao động; Quảng Nam: 113 tàu/402 lao động; Quảng Ngãi: 846 tàu/5.739 lao động; Bình Định: 2.774 tàu/19.604 lao động; Phú Yên: 253 tàu/1.711 lao động; Khánh Hoà: 196 tàu/1.615 lao động).
ĐNĐT