.

Chấn hưng giáo dục nên bắt đầu từ chương trình đào tạo

.

(ĐNĐT) - Chấn hưng giáo dục nên bắt đầu từ chương trình đào tạo, Bộ trưởng GD-ĐT chịu trách nhiệm về việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa. Không nên giao thẩm quyền thành lập đại học cho Bộ GD-ĐT 
 

ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu ý kiến

Chiều ngày 30-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung (SĐBS). Phát biểu thảo luận, đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, bày tỏ quan điểm ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục.

Nhưng theo ĐB, qua nghiên cứu dự thảo luật thì thấy rằng, mục tiêu sửa đổi luật chưa rõ ràng, nội dung sửa đổi chưa đúng và trúng những vấn đề lớn, bức xúc nhất của nền giáo dục hiện nay. Dường như cơ quan soạn thảo chỉ SĐBS những vấn đề mang tính chất cục bộ, không vì đại cục và chưa thật sự cấp thiết. Còn các vấn đề cử tri mong đợi như việc biên soạn sách giáo khoa, chương trình đào tạo, phân ban, nhà giáo, học phí... thì chưa được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi một cách toàn diện nhằm đổi mới nền giáo dục nước nhà, tạo ra khung pháp lý bền vững về giáo dục, vừa đảm bảo yếu tố hiện đại, hội nhập, vừa đảm bảo giữ gìn, phát huy được bản sắc riêng của giáo dục văn hóa Việt Nam. Như vậy thì luật giáo dục mới có sức sống bền lâu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh nước ta hội nhập và phát triển.

Bộ trưởng GD-ĐT chịu trách nhiệm về việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa

ĐB Huỳnh Nghĩa nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (Khoản 3 Điều 29), xác định đây là vấn đề bức xúc trong xã hội, được dư luận đặc biệt quan tâm, là điểm nóng trong các kỳ tiếp xúc cử tri. Nhưng theo ĐB, dự thảo luật chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ đối với chương trình giáo dục và tiêu chuẩn sách giáo khoa, quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình giáo dục, sách giáo khoa.

ĐB thừa nhận quy định như dự thảo là bước tiến so với trước đây nhưng vẫn chưa đạt, thể hiện sự đơn giản, chưa thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này. Vì vậy, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định ngay trong luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục, sách giáo khoa của các cấp học, bảo đảm chất lượng, giảm bớt quá tải về nội dung chương trình, sách giáo khoa, tránh những sai sót đáng tiếc, đồng thời bảo đảm sách giáo khoa có thể dùng được qua nhiều năm. Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính thống nhất trong cả nước. Chấn hưng giáo dục nên bắt đầu từ chương trình đào tạo. ĐB kiến nghị luật cần quy định giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa.

Không nên giao thẩm quyền thành lập đại học cho Bộ GD-ĐT

Dự thảo luật sửa đổi theo hướng chuyển giao thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học từ Thủ tướng cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chỉ trong trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng mới quyết định chủ trương thành lập trường. Qua thảo luận, các vị đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau, ĐB Huỳnh Nghĩa cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTNNĐ, không nên giao hết quyền quyết định đối với trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Bởi vì, việc thành lập trường đại học liên quan đến quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục-đào tạo quốc gia. Do đó, ĐB đề nghị thẩm quyền này nhất định phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Đại học là đầu tàu đào tạo trí thức cho xã hội, cần phải được trân trọng và đề cao.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, thời gian qua, nhiều trường đại học đã ra đời không có chất lượng, ai cũng biết. Vì quy định thành lập trường còn quá chung chung. Đã xảy ra tình trạng lập danh sách, hồ sơ khống, mạo danh tên tuổi của các giáo sư, tiến sĩ làm giảng viên để đủ số lượng, chưa hội đủ những điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu về một cơ sở đào tạo; không có hệ thống chương trình, giáo trình phục vụ đào tạo theo quy định, chất lượng đào tạo không đảm bảo. Thực tế này không chỉ được phản ảnh trên báo chí, công luận xã hội phê phán gay gắt mà chính cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tự nhìn nhận ra vấn đề này. ĐB cho rằng, hơn ai hết, Bộ GD-ĐT chắc chắn cũng đã thấy.

Nhằm khắc phục tình hình trên, ĐB đề nghị Ban soạn thảo xem xét, thiết kế lại Điều 50 Về thành lập, cho phép thành lập nhà trường cho chuẩn mực, vừa rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ và khả thi, nhất là điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục. Qua đó, tạo thuận lợi trong việc thẩm định và giám sát tổ chức thực hiện. Đồng thời, cũng nên quy định rõ trong luật về người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường ở các cấp học, trình độ đào tạo. Bất kỳ cơ sở giáo dục nào vi phạm đều phải bị xử lý, đình chỉ hoạt động hoặc giải thể, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nền giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Trong nhiều vấn đề hiện nay của giáo dục, có một vấn đề chưa được quan tâm đúng mức, chưa thể hiện trong nội dung sửa đổi lần này, đó là nhà giáo. Vị trí xã hội của nhà giáo chưa được đề cao xứng đáng, truyền thống “tôn sư” đẹp đẽ bị xói mòn nghiêm trọng. Vì vậy theo ĐB, đầu tư cho giáo dục cần phải thích đáng, trọng tâm vào đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ chính sách ưu đãi đối với nhà giáo.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.