.
Chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Không để dân đói

.

* Hỗ trợ 500 tỷ đồng và 10 nghìn tấn gạo cho các tỉnh, thành phố miền Trung

(ĐNĐT) - Chiều ngày 1-10, tại Hội An (Quảng Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống và tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả bão, lũ do bão số 9 gây ra, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định và tỉnh Kon Tum. 

        >> Toàn cảnh bão số 9

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và chủ động của các bộ, ngành và địa phương trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đạt mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại, trước hết là thiệt hại về người. Đây cũng chính là những kinh nghiệm quý báu cần rút ra nhằm đối phó với thiên tai trong thời gian tới. Trong đó, các ngành, địa phương đã thông báo kịp thời tình hình phức tạp của cơn bão cho nhân dân, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm và đưa tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, chằng chống nhà cửa, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân…

Tuy nhiên, do cường độ mạnh và phức tạp, kết hợp giữa bão và lũ, cơn bão số 9 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến những gia đình có người chết, mất tích, bị thương và thiệt hại tài sản do bão lũ gây ra, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm nhằm khắc phục hậu quả của bão, lũ.

Về nhiệm vụ chung trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai những nhiệm vụ đã đề ra; trong đó lưu ý hạn chế thấp nhất thiệt hại do tai nạn, nhất là trong lúc lũ còn cao và đối phó với cơn bão mới hình thành; nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, đưa đời sống nhân dân trở lại bình thường.

Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương cần tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, giúp đỡ gia đình có người bị chết trong việc mai táng và ổn định cuộc sống, tìm cách liên lạc sớm nhất với các địa phương bị cô lập để trợ giúp kịp thời. Các địa phương phải nắm chắc thông tin, đảm bảo lương thực, không để dân đói do bão lũ; tăng cường quản lý con người không để xảy ra thiệt hại nhân mạng. Đối với nhà sập và tốc mái, Trung ương và địa phương phối hợp sự đóng góp của nhân dân, nhà hảo tâm…cùng lực lượng vũ trang, thanh niên giúp dân dựng lại nhà cửa, ổn định nơi ăn chốn ở; đồng thời đảm bảo nước sinh hoạt, ngăn chặn dịch bệnh.

Về hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng khắc phục để thông tuyến các tuyến đường thiết yếu; đảm bảo điện, nước, thông tin liên lạc, hoạt động của trường học, cơ sở y tế…Để ổn định sản xuất, cần tập trung cho sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản…Về lâu dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng quy chế vận hành trong việc chứa nước và xả lũ của các hồ chứa nước, công trình thủy điện…do ở miền Trung và Tây Nguyên, có nhiều công trình loại này và ảnh hưởng hai mặt đến đời sống.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ các tỉnh, thành trong khu vực bị thiệt hại do bão, lũ gây ra là 500 tỷ đồng và 10 nghìn tấn gạo nhằm góp phần khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 9. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các địa phương, đến chiều ngày 1-10, trên địa bàn miền Trung và tỉnh Kon Tum đã có 93 người chết và 23 người mất tích, gần 200 người bị thương; trong đó tỉnh Kon Tum có 30 người chết, tỉnh Quảng Ngãi có 27 người chết… 6.376 ngôi nhà bị sập, trôi; hơn 172 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; hơn 173 nghìn ngôi nhà bị ngập; 503 phòng học bị hư hỏng; 21 nghìn ha lúa bị ngập, đổ; 179 tàu, thuyền bị chìm…Các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng phối hợp giải quyết hậu quả, đảm bảo hoạt động của các tuyến giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc…

Nhằm khắc phục hậu quả của bão, lũ cũng như giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cùng với việc đề nghị Trung ương hỗ trợ lương thực và tiền mặt, lãnh đạo các địa phương đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề lâu dài. Trong đó, có việc xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất; hình thành hệ thống cảnh báo lũ ở thượng nguồn các sông lớn; đầu tư xây dựng khu vực neo đậu tàu thuyền; xây dựng kè Cửa Đại, nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang (Quảng Nam), gia cố tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng-Quảng Nam, tuyến đường ĐT 604 nối Đà Nẵng với Tây Quảng Nam…

Nguyễn Thành

;
.
.
.
.
.