.

Có kỹ năng sống, hậu quả sẽ khác

Đối diện với cảm xúc tiêu cực, một số thanh-thiếu niên chọn giải pháp tự tử hoặc gây bạo lực. Vấn đề này không thể nhìn nhận là chuyện của một vài cá nhân riêng lẻ trong xã hội thời nào cũng có, khi mà gần đây nhiều vụ đâm, chém nhau ở trường học và nhảy cầu tự vẫn liên tiếp xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Vì sao những thanh-thiếu niên này lại giải quyết vấn đề theo cách gần như không còn lối thoát, nếu không vì họ hoàn toàn không có kỹ năng để ứng phó, xử lý những tình huống ngoài ý muốn trong cuộc sống?

Buồn nhảy, ức đâm!

Mới  đây, khoảng 10 giờ sáng ngày 13-10, cầu Sông Hàn bị tắc nghẽn giao thông trong nhiều phút vì một vụ tự vẫn. Đối tượng là một cô gái mới lớn, chừng 16, 17 tuổi. Theo nguồn tin ban đầu, do buồn chuyện gia đình, cô bé quyết định tìm tới cái chết. Rất may, cô bé đã được cứu vớt kịp thời.
 
Nhìn cô bé ăn mặc khá sành điệu, gương mặt sáng, nhiều người chứng kiến vụ việc có kẻ tỏ ra thương xót, có người không tiếc lời trách cứ: “Cha mẹ nuôi đến từng ấy mà không biết thương ai, đúng là đồ bỏ đi”.

Cách đây không lâu, cũng tại sông Hàn, một đôi bạn trẻ độ mười chín, đôi mươi vì giận dỗi nhau mà tìm đến cái chết để chứng minh tình yêu. Sau một hồi đôi co với bạn gái, người con trai nhảy xuống sông trước sự bất lực của người yêu.

Một loạt vụ bạo lực học đường gần đây gây chấn động dư luận trên địa bàn thành phố cũng xuất phát từ những mâu thuẫn ở tuổi học trò. Một lời nói, một sự khiêu khích, một sự bức bối không thể giải tỏa đã đưa các em trở thành kẻ phạm tội mà pháp luật khó dung thứ. Trong số những em thực hiện hành vi gây chết người ấy, có em nhiều năm liền được nhà trường, bạn bè đánh giá là người có đạo đức tốt, học lực tốt.

Chứng kiến những trường hợp trên, nhiều ý kiến không ngớt chê trách hành động nông nổi, cho rằng các em thuộc loại không biết nghĩ suy. Nhìn nhận một cách công bằng, các em là người đáng trách hay đáng thương? Nếu các em biết cách bày tỏ cảm xúc của mình một cách tích cực như chia sẻ tâm trạng với mọi người xung quanh, nếu các em đã từng được đặt vào các tình huống xấu giả định để được định hướng cách ứng phó, nếu các em lường được hậu quả sự việc…, biết đâu cái cách các em giải quyết những vụ việc trên đã khác? Tất cả điều này là gì, nếu không là kỹ năng sống.

Lớp học kỹ năng, vắng hoe

Ngược với các lớp học thêm những bộ môn văn hóa, năng khiếu tấp nập học trò bất kể giờ giấc, lớp học chuyên về kỹ năng sống ở một số trung tâm rơi vào cảnh tượng vắng hoe. Người quản lý Trung tâm Minh Nhân (đường Đống Đa) cho biết, tại đây những lớp học rèn chữ đẹp thu hút đông học viên đến mức có thời điểm gần như quá tải.

Ngược lại, lớp học kỹ năng sống cho trẻ từ 8 đến 15 tuổi như kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống, kỹ năng hợp tác, kỹ năng quản lý thời gian… đã chiêu sinh nhiều tháng qua vẫn chưa có một bóng người. Lý do tưởng chừng đơn giản, học rèn chữ thì thành quả thấy rõ trước mắt, còn học kỹ năng là những điều khá mơ hồ với các bậc phụ huynh. Người quản lý cho hay, một vài phụ huynh biết chương trình dạy kỹ năng cũng tỏ ý khen hay, thiết thực nhưng sau đó thì… thôi.

Một cử nhân tâm lý ấp ủ kế hoạch thực hiện đề án mở các lớp giáo dục tâm lý như kỹ năng sống, tiền hôn nhân… cho đối tượng là  những người trẻ tuổi. Tuy nhiên đến thời điểm này, các lớp học vẫn chưa thể triển khai vì… không có học viên. Theo những người trong cuộc, những ai có đôi chút kiến thức thì tự mua sách tìm hiểu, người không bận tâm đến khái niệm “kỹ năng sống” thì nhắm mắt làm lơ.

Đi học kỹ năng để tăng vốn sống, tăng khả năng xử lý các tình huống xem ra chưa được nhiều người trẻ quan tâm. Thi thoảng có một số nơi tổ chức buổi nói chuyện nhằm giáo dục tâm lý cho thanh-thiếu niên thông qua một chủ đề nào đó. Nhưng đó chỉ là một vài hoạt động mang tính nhỏ lẻ, tập trung cho một vài đối tượng nhất định.

Kỹ năng sống của thanh-thiếu niên có lẽ vẫn còn là một mảnh đất trống và bản lĩnh ở từng người tưởng chừng đang ở mức độ bản năng.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.