Không những thầy trò ông Nguyễn Văn Nhung, Giám đốc Xí nghiệp Trục vớt, xây lắp Đà Nẵng (TV-XL) mà hàng trăm người dân Đà Nẵng hiếu kỳ đứng kín dọc bờ kè đường Nguyễn Tất Thành, hàng trăm du khách như vỡ òa trong tiếng reo hò, tiếng vỗ tay vang dội: “Hoan hô... ra rồi, ra được rô... ồi! Giỏi quá!”, khi chiếc tàu biển Thành An 27 trọng tải trên 1.000 tấn thuộc Công ty Vận tải biển Thành An (tỉnh Thái Bình) lăn trên những chiếc phao hơi cuối cùng để vươn ra mép nước.
Đúng 15 giờ 40 phút ngày 24-10-2009, tàu Thành An 27 thoát khỏi vùng mắc cạn và an toàn trên Vịnh Đà Nẵng. |
Tuy nhiên, ba con tàu Lucky - VN09, Thái Sơn 02, Thành An 27 là bị mắc cạn nặng nề nhất, trong đó tàu Thành An 27 bị bão đẩy sát chân kè chắn sóng và lún sâu trong cát đến gần 1,5m. Sau bão, trong trăm nghìn nỗi lo chung khắc phục hậu quả, là nỗi lo không nhỏ của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các ban, ngành liên quan là làm sao vừa cứu hộ an toàn các con tàu, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tuyến kè dài gần 5km...
Bởi theo phương pháp trục vớt, cứu hộ truyền thống thì phải đào khai thông từ điểm tàu bị mắc cạn ra đến mực nước sâu từ 3 - 4m ngoài biển, một con kênh sâu 5 - 6m, rộng cả chục mét giữa nền cát mịn với thời gian quy ước không quá 15 ngày mới có khả năng trục dắt tàu ra được, trong khi liên tiếp những ngày sau bão số 9 còn hai cơn bão và áp thấp nhiệt đới ứng chực ngoài khơi. Còn nhớ, những ngày đầu chưa tìm ra phương án khả thi đã xuất hiện ý kiến:
Nên chăng tháo gỡ trang thiết bị, “xẻ thịt” con tàu... để thu hồi vốn! Qua mấy lần họp bàn với các ngành hữu quan của thành phố và chủ tàu, với quyết tâm cứu tàu, cứu kè, UBND thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận phương án cứu hộ tàu Thành An 27 của Xí nghiệp TV-XL Đà Nẵng bằng quyết tâm cao nhất, với công nghệ trục vớt, cứu hộ tiên tiến nhất mà Đà Nẵng đang có.
Ngay trong đêm chủ nhật (11-10-2009), Giám đốc Xí nghiệp Nguyễn Văn Nhung và chủ tàu Lê Tấn Tiến đã đến hiện trường khảo sát, đưa ra giải pháp và sáng 12-10 công việc được triển khai ngay. Họ dự tính khoảng 10 ngày công việc sẽ kết thúc, nhưng rồi thời tiết, sóng biển mạnh đã kéo dài thêm thời gian 4 - 5 ngày.
Xí nghiệp TV-XL Đà Nẵng đã triển khai đến 10 phao chứa khí nén đặc chủng, mỗi phao dài 12m, đường kính 1,5m, lực nâng mỗi phao từ 75 - 100 tấn để nâng thân tàu và di chuyển ra vùng nước. Lực nén hơi vào phao phải được điều chỉnh hết sức nghiêm túc và chính xác với mức 7 - 8cm3/giây, mỗi phao có gắn đồng hồ đo áp lực và rơ-le tự động, sơ suất hoặc nôn nóng sẽ gây nổ phao hoặc gây gãy đổ tàu, rất nguy hiểm. Suốt thời gian hơn 10 ngày, trên 10 chiếc phao căng cứng, với bốn dây neo, cùng với hai xe xúc-đẩy, tàu Thành An 27 liên tục nhích dần, nhích dần từng cm để ngày 24-10-2009 đã ra với lòng Vịnh Đà Nẵng.
Bài và ảnh: NGÔ VĂN TRẤN