.

Đám tang chạy bão

.

Bà Sáu Thôi (thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn) qua đời ngay khi cơn bão số 9 thổi qua ngôi làng từng chịu lắm nỗi tang thương trong cơn bão lịch sử 3 năm trước.

Anh Lê Văn Tuấn (thứ hai, trái qua) cảm ơn bà con xóm giềng đã giúp gia đình anh trong mưa bão.

4 giờ sáng ngày 29-9, khi bão số 9 liên hồi giật từng cơn ngoài trời thì trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Lê Văn Tuấn, người con rể duy nhất của mình, bà Sáu Thôi lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng. Bà nằm một chỗ từ 13 năm nay. Bà biết nỗi vất vả của con cháu, thỉnh thoảng lại rưng rưng đứt từng khúc ruột: Mẹ nằm lâu quá, cực mẹ thì mẹ chịu, mà cực cả mấy con thì răng mà mẹ chịu cho được. Con cháu nghe thế, khó mà ngăn nổi nước mắt…

Thế mà Hội Người cao tuổi xã vừa mới mừng thọ bà lên tuổi 85 bốn ngày trước đó.

Cả làng Phước Hậu có 65 nóc nhà thì bão số 6 năm 2006 đã san bằng hết 45 cái, số còn lại bị tốc mái hoàn toàn. Bão số 9 năm nay dự báo càng mạnh hơn. Vợ chồng anh Tuấn bàn nhau, hay là mình đưa bà đi ngay trong ngày khi bão chưa tới, chứ để bão quét qua thì nhà nào lo nhà nấy, ai mà giúp chi được cho mình. Ý kiến này được các anh Lê Như Phúc - bí thư chi bộ, Trần Thiên - trưởng thôn tán thành.

Hai người con anh Tuấn, một dạy ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã về ngay sau khi nhận tin được nửa tiếng, còn một là sinh viên năm đầu học ngoài Huế thì đón được xe về chậm hơn chút.
Từ sáng sớm, anh Thiên đã đội mưa gió đi một vòng quanh làng, vừa kiểm tra coi bà con chằng chống nhà cửa thế nào, vừa huy động mọi người tranh thủ đi lo đám tang. Gió rít từng cơn, mái tôn đánh nhịp khắp làng. Mưa từng đợt như dao cứa rát mặt. Người kéo về nhà anh Tuấn ngày một đông, lặng lẽ mỗi người một việc. 

Lúc đầu, định 4 giờ chiều mới đưa, nhưng thấy gió mỗi lúc càng lớn, mọi người quyết định đưa bà đi ngay trong buổi sáng, lúc 10 giờ 30. Chưa có một đám tang nào mà gấp gáp đến thế! Thanh niên đội mũ bảo hiểm, đánh trần ra đào huyệt, xúc một xẻng đất là phải múc một xẻng nước.

Không điếu văn, chiêng trống, bình hương, áo giấy, gần 80 người gồng mình giữ thăng bằng trong mưa bão, lặng lẽ đưa bà đi. Chỉ chưa tới 500m, nhưng đám tang phải dừng lại nhiều lần vì gió mạnh quá, quan tài xiêu hẳn sang một bên, phải hạ xuống đất nghỉ. Rồi dìu từng bước khi lội qua đoạn trũng nhất, nước trên đầu gối.

Xong việc, mọi người về nhà mình, lo chống bão. Nhà anh Tuấn, gió hất tung mái tôn ngoài hiên, đặt cái bàn thờ cũng chẳng được, vừa thắp mấy cây hương thì bình hương bay xuống sàn nhà, vỡ tan tành.

Bà Sáu người làng Phước Hưng, tuy về làm dâu Phước Hậu, nhưng vẫn nhận gạo cứu tế từ làng mình gửi qua. Hôm đó nước ngập, bão to, người Phước Hưng không qua chia buồn được. Làng Phước Hậu thì lâu nay quy ước rằng “nhất gia hữu sự bá gia ưu”, một nhà có chuyện thì trăm nhà đều lo, đã thành thông lệ, ai không tham gia sẽ bị mọi người quay lưng lại.

Riêng với vợ chồng anh Tuấn, bà con càng quý hơn, bởi hiếm có người con rể nào sống hết mực hiếu nghĩa như anh. Người Phước Hậu, mỗi lần nhắc đến đám tang hy hữu đó, không khỏi tự hào vì nếp sống đầy nghĩa tình bao đời nay đã gắn kết mọi người với nhau sau lũy tre làng.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.