.

Dạy con lòng nhân ái

.

Chuyện các cậu ấm

Người ta hay ví “thương trường như chiến trường” để nói đến áp lực của người làm kinh doanh. Có lẽ vì thế mà đôi khi, nhiều doanh nhân nữ không còn thời gian dành cho các quý tử của mình. Chị L.T.K.C, giám đốc DNTN TM tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn kể lại chuyện con trai chị đang học lớp 4, một hôm về nói với mẹ:
 

Cha mẹ phải là người đầu tiên xây dựng cho bé lòng nhân ái.

“Con không thích cô Châu làm việc cho nhà mình nữa. Con sai cô ấy đi mở ti-vi cho con xem, mà cô biểu phải ăn cơm xong mới được coi. Con không chịu, cô dọa đánh con. Mẹ cho nghỉ việc đi, mình thuê người khác. Nhà mình có tiền thuê ai không được”. Nghe con nói vậy, chị C. không khỏi lo lắng trước thái độ của cậu con cưng. Chị tâm sự: “Đúng là lâu nay lo mải mê công việc làm ăn mà không để ý đến chuyện con cư xử như thế nào với mọi người xung quanh”.

Trong một lần dẫn đoàn tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, chúng tôi thấy có một cụ già trông rất khổ ngửa tay xin tiền khách. Một đứa bé chừng 13 tuổi đi với cha mẹ (trông sang trọng) đã nói một câu khiến những người nghe được phải giật mình: “Gớm quá, tránh ra cho người ta đi, tiền đâu mà cho. Vớ vẩn”, rồi đi qua mặt cụ già đó.

Dạy con lòng nhân ái

Đa số con cái các doanh nhân thường có tâm lý ỷ lại vào sự giàu có của gia đình. Hậu quả là không ít các trường hợp “cô chiêu, cậu ấm” có thói ích kỷ, sống vô cảm đối với những người xung quanh. Là một gia đình doanh nhân thành đạt, nhưng đối với bà Đỗ Thị Ngọc, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tập đoàn Trần Gia thì “Từ khi các cháu còn nhỏ, chúng tôi đã dạy con biết trân trọng mồ hôi, công sức làm ra tiền bạc.

Gia đình chúng tôi vẫn có những buổi cùng ngồi lại với nhau bàn việc kinh doanh, kể cả việc trích lợi nhuận để làm việc nghĩa. Tôi nghĩ, muốn dạy con lòng nhân ái, người mẹ phải làm gương để con cháu noi theo”. Thực tế, nhiều lần mẹ con và các cháu trong gia đình chị tay xách nách mang những thùng quà chia sẻ cho bà con bị bão lụt. Những cháu nhỏ đều thể hiện tình cảm rất chan hòa. 

Còn chị Lê Thị Nam Phương, Giám đốc Công ty TNHH TM và SX Tân Định, hễ có dịp đi đâu là cho con theo. Với chị, “cho con về thôn quê để chúng hiểu hơn về đời sống của những người lao động”, hoặc “đi thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để cháu hiểu về truyền thống dân tộc”. “Chúng tôi đưa các con theo trong những hoạt động xã hội không phải để các cháu nhìn mẹ làm mà cái chính là giáo dục tình yêu thương cộng đồng cho con trẻ. Không để chúng nghĩ cứ có tiền là có tất cả”, chị Nguyễn Thị Nguyên Hưng, (Báo Doanh nghiệp Chủ nhật) chia sẻ kinh nghiệm dạy con.

Nhìn hàng chục đứa trẻ, lớn có bé có, tay cầm những món quà trao cho các bạn ở Trung tâm Trẻ mồ côi Hoa Mai Đà Nẵng, chúng tôi phần nào hiểu được tấm lòng của các bé thông qua sự dạy dỗ của người lớn.
 
Nhiều nữ doanh nhân đã đồng ý rằng: Nếu các bậc cha mẹ trích lợi nhuận kinh doanh của mình để giúp xã hội thì bình thường, nhưng để giáo dục con cái về lòng nhân ái, tốt hơn hết là để chúng không chỉ tiếp nhận bằng lời nói, mà phải bằng hành động. Hành động cụ thể ở đây là các cháu phải tự mình tiết kiệm những đồng tiền mà chúng có, để chia sẻ với những số phận bất hạnh,  không được may mắn như các cháu.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.