.

Để đạt được mục tiêu “Không có hộ đặc biệt nghèo”

Chương trình “5 không” của Đà Nẵng trong những năm qua đã thu được những kết quả khả quan, đặc biệt là  mục tiêu “không có hộ đói” đến nay đã hoàn thành. Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa VII vào tháng 7-2009, mục tiêu trên đã được điều chỉnh thành “không có hộ đặc biệt nghèo”. Điều đó chứng tỏ cụm từ “xóa đói giảm nghèo” nay đã không còn phù hợp với Đà Nẵng nữa, mà chỉ còn một vế phải phấn đấu là “giảm nghèo”, cụ thể và trọng tâm hơn là hướng đến mục tiêu “không còn hộ đặc biệt nghèo”.

Một thuận lợi cơ bản là Đà Nẵng đã có Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố”. Trên cơ sở Chỉ thị 24, UBND thành phố đã và sẽ ban hành các đề án, kế hoạch để triển khai, làm cho các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng bộ và chính quyền thành phố.
 
Đây được coi là việc làm mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, đồng thời là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên và đòi hỏi sự quyết tâm cao trong chỉ đạo thực hiện; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mỗi gia đình, mỗi người dân. Từ đó huy động được nhiều nguồn lực xã hội để thực hiện.

Đi vào thực tiễn, để thực hiện mục tiêu trên, vấn đề đầu tiên là phải xác định, phân loại được đối tượng nào là nghèo, là đặc biệt nghèo, từ đó sẽ có những giải pháp cụ thể phù hợp cho từng đối tượng; xác định vai trò của mỗi ban, ngành, đoàn thể, tổ chức cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc xóa hộ đặc biệt nghèo nói riêng và giảm nghèo nói chung trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, phải coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, làm thế nào để tạo được chuyển biến thực sự trong nhận thức và ý thức về trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, toàn xã hội hưởng ứng và tham gia giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo, nhất là không để xảy ra tình trạng trông chờ, ỷ lại chính sách của Nhà nước.

Để xác định được đối tượng nghèo, đặc biệt nghèo, trong tổ chức triển khai trên từng địa bàn, cần có sự chỉ đạo, điều phối chặt chẽ của Đảng và chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là cơ sở, nhất là trong các hoạt động khảo sát, điều tra nắm danh sách đối tượng; hoạt động kiểm tra để tránh chồng chéo, gây phiền hà cho cơ sở. UBND các quận, huyện chủ trì làm việc với các đơn vị, đoàn thể để thống nhất kế hoạch, biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ và cách thức triển khai; phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các bên.

Về huy động các nguồn lực, cùng với nguồn lực từ ngân sách, cần huy động các nguồn lực khác từ các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội, các nhà hảo tâm; vận động các doanh nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, trẻ em nghèo hoặc thông qua các quỹ, chương trình như: Quỹ Vì người nghèo, Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; Chương trình xóa nhà tạm và sửa chữa nhà ở cho người nghèo... Xây dựng các dự án, chương trình cụ thể để kêu gọi tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ đặc biệt nghèo với các phong trào như: Phong trào “Xây dựng Gia đình văn hóa, khu dân cư, tổ dân phố văn hóa” và các chương trình, kế hoạch kinh tế-xã hội trên từng địa bàn. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ theo Đề án giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2009-2015, trong đó, ưu tiên hộ đặc biệt nghèo, chú trọng giải pháp giúp hộ nghèo có công việc ổn định để bảo đảm cuộc sống lâu dài. Theo dõi để cập nhật thường xuyên và kịp thời danh sách hộ đặc biệt nghèo.

Cần phân biệt những hộ đặc biệt nghèo thật sự không có khả năng thoát nghèo do điều kiện khách quan (hộ chỉ có người già yếu, người tàn tật, đau ốm thường xuyên không còn khả năng lao động) để chuyển họ sang nhóm đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên từ ngân sách thành phố. Ưu tiên giải quyết học nghề miễn phí, tư vấn giới thiệu việc làm cho các thành viên hộ đặc biệt nghèo có nhu cầu học nghề, tìm việc.

Tăng cường tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng còn trong độ tuổi sinh đẻ đã có 2 con thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; đặc biệt chú ý đối tượng là phụ nữ không chồng (còn trong độ tuổi sinh đẻ) hiện nay đã có con. Thực hiện các chương trình chăm sóc, điều trị người bị bệnh tâm thần nhằm giảm gánh nặng cho các hộ đặc biệt nghèo...

Đà Nẵng không còn hộ đói và từng bước xóa hộ đặc biệt nghèo. Phát huy hơn nữa các kết quả đã đạt được, trên cơ sở  mục tiêu đã điều chỉnh trong chương trình “Thành phố 5 không” giai đoạn 2009-2015, tin tưởng rằng với những chủ trương, bước đi đúng đắn của mình, thành phố sẽ có một diện mạo mới, đánh dấu một chặng đường phát triển, dựng xây của địa phương mà trong đó, tất cả các chương trình hành động đều vì chất lượng cuộc sống người dân, mang đậm nét nhân văn của một Ðà Nẵng không ngừng phát triển.

QUỐC DŨNG

;
.
.
.
.
.