.
ĐIỂM ĐỌC BÁO NÔNG DÂN

Một mô hình cần được nhân rộng

.

Thời gian qua, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã có sáng kiến, chỉ đạo các cấp Hội thành lập các điểm đọc báo nông dân. Đây là một mô hình mới nhằm đưa thông tin đến với nông dân,  được sự  đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân…

Đọc báo đã trở thành niềm đam mê của nhiều nông dân.

Ông Nguyễn Kim Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố (người “khai sinh” ra điểm đọc báo nông dân) cho biết, cuối tháng 9, đầu tháng 10-2008, Hội đã chỉ đạo Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) và phường Hòa An (Cẩm Lệ) thành lập 2 điểm đọc báo. Theo ông Dũng, ngay từ khi mới xuất hiện, dù số lượng đầu báo còn hạn chế nhưng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nông dân. Không kể sáng, trưa, tối, cứ lúc nào rảnh, những người nông dân lại đến để đọc báo nhằm nắm bắt kịp thời những tin tức xảy ra, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất, kinh doanh… Đến nay, Thành Hội đã nhân rộng được 12 điểm đọc báo, trong đó quận Cẩm Lệ có 9 điểm, Liên Chiểu 3 điểm.

Chúng tôi có mặt tại điểm đọc báo thuộc chi hội số 7, phường Hòa An (Cẩm Lệ) vào một buổi sáng đầu tuần. Ngay từ 6 giờ 30 đã có hơn 10 người tập trung đọc báo. Theo quan sát của chúng tôi, họ đọc rất kỹ, nhất là những tin tức thời sự, chính trị, những bài báo nói về giáo dục gia đình, con cái. Riêng những bài báo có tính hướng nghiệp, hướng dẫn về chăn nuôi, sản xuất, họ không chỉ đọc mà đôi lúc còn ghi chép lại rất cẩn thận.
 
Vừa đọc, mọi người vừa bàn luận với nhau những thông tin đã đọc được khiến cho điểm đọc báo trở nên râm ran, sôi nổi. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Điền - trú số nhà 221 đường Tôn Đản, Hòa An (người cho mượn mặt bằng để chi hội đặt điểm đọc báo) tâm sự: Trước đây, nói đến chuyện đọc báo đối với nông dân như chúng tôi quả thật khó khăn. Phần vì không có thời gian, nhưng quan trọng hơn là thấy… tiếc tiền, không dám mua. Tuy nhiên, từ khi có điểm đọc báo đến giờ thì mọi chuyện đã khác.

Tôi cũng như rất nhiều người dân ở đây, sáng nào cũng phải tranh thủ liếc mắt qua tờ báo rồi mới… an tâm làm việc khác. Đôi lúc đọc được những thông tin rất bổ ích cho cuộc sống hằng ngày, tôi lại truyền lại cho những người chưa đọc. Đến nay, nhờ đến điểm đọc báo mà người dân nơi đây đã nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Điền hồ hởi nói tiếp: Đã 1 năm nay, trước sân nhà tôi nhộn nhịp lắm, người vô người ra liên tục.

Có những lúc báo chưa về kịp, các chú, các bác ngồi chờ, nhiều người tự nguyện lên tận phường để lấy báo cho chi hội. Đọc báo như đã thành thói quen của mọi người. Và nếu không tranh thủ được buổi sáng thì thế nào buổi trưa về cũng ghé lại lấy báo để đọc. Thông tin luôn được cập nhật qua báo chí nên nếu không đọc thì sẽ trở nên người “mù” mất!

Không chỉ có nông dân tham gia đọc báo mà ở những điểm đọc báo nông dân cũng thu hút đông đảo những người dân các thành phần khác đến đọc. Ông Nguyễn Kim Dũng cho hay: Nhờ có các điểm đọc báo mà hạn chế được sự nhàn rỗi của thanh-thiếu niên ngồi cà kê tại các quán Internet, cà-phê.

Thay vào đó, những đối tượng này tạo thói quen vào các điểm đọc báo để tiếp cận thông tin. Cũng thông qua các tin tức hằng ngày mà các bậc làm cha làm mẹ có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để dạy dỗ con cái tốt hơn. Hơn nữa, những thông tin trên báo chí chuyển tải rất nhiều những thành tựu khoa học kỹ thuật cũng như những kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất nên mọi thành phần người dân đều dễ dàng tiếp cận và áp dụng vào thực tế.

Dù đem lại hiệu quả cao nhưng hiện nay, các điểm đọc báo còn ít và hầu như “vắng mặt” ở các vùng sâu, vùng xa. Theo ông Nguyễn Kim Dũng, việc thành lập điểm đọc báo ở những nơi này không dễ, vì trước hết phải tìm được điểm thuận lợi (phải là khu trung tâm, tập trung được nhiều người dân) và phải tìm cho được nguồn cung cấp báo đến cho các điểm báo đã được thành lập. Báo chí thì phải cập nhật thông tin, nếu để ba đến bốn ngày mới đọc thì thông tin đã nguội, sự việc đã khác.
 
Trong khi đó, việc vận chuyển báo đến với những điểm đọc báo ở những vùng sâu vùng xa, nhất là các xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Khương thì cước phí bưu điện quá cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Dũng khẳng định, đây là mô hình đem lại hiệu quả tốt nên thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ làm việc với một số nhà tài trợ để nhân rộng mô hình này đến với nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa ở huyện Hòa Vang…

Bài và ảnh: PHAN THỊ HÀ

;
.
.
.
.
.