.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố

Lấy ý kiến góp ý các dự thảo luật

.

Ngày 14-10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà làm luật về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tại buổi góp ý dự thảo Luật Thuế nhà, đất.   Ảnh: S. TRUNG

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được ban hành năm 1997, một số nội dung của Luật chưa đáp ứng yêu cầu đối với việc xây dựng Ngân hàng Nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế. Do vậy, trong dự án luật sửa đổi có thêm những điểm mới liên quan đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Công an trong quá trình in, đúc, tiêu hủy tiền... Trong luật sửa đổi, hoạt động cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã được quy định rộng hơn.
 
Có ý kiến cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, đồng thời quy định rõ về việc quản lý hệ thống giao dịch tiền, vàng ngoài ngân hàng và chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… Theo các nội dung sửa đổi, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 7 chương và 69 điều.

Về Luật Các tổ chức tín dụng, việc sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện như về tổ chức, quản trị, điều hành, hình thức sở hữu, tỷ lệ an toàn… Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 10 chương và 162 điều. Đợt góp ý lần này chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: phạm vi điều chỉnh của luật, mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng, phạm vi hoạt động quỹ tín dụng nhân dân, các loại hình ngân hàng chính sách và các nội dung khác.

Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII tổ chức cuối tháng 10 năm 2009.
 
(M. HẠNH)

* Chiều ngày 14-10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thuế nhà, đất. Pháp lệnh Thuế nhà, đất năm 1994 qua 15 năm thực hiện, đến nay không còn phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, có nhiều vấn đề nảy sinh trong quản lý, điều tiết việc sử dụng đất đai. Do đó, cần thiết phải ban hành luật để tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với nhà, đất trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đa số ý kiến tán thành dự thảo luật đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế nhằm góp phần tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn thu từ nhà ở vào ngân sách Nhà nước. Mức thuế suất khởi điểm 0,03% và chỉ tính trên phần vượt ngưỡng giá trị 500 triệu đồng thì đối tượng nộp không nhiều. Việc thu thuế nhà ở góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, nhất là nhà chung cư. Tại Điều 7 về thuế suất, nhiều ý kiến đề nghị quy định hạn mức đất ở do mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định làm căn cứ tính thuế là không phù hợp.

Có thể 63 tỉnh, thành phố có 63 hạn mức đất khác nhau, như vậy mức đóng thuế sẽ khác nhau. Như vậy sẽ không bình đẳng, công bằng đối với nhân dân trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Tại khoản 3, Điều 6 quy định giá tính thuế đất, nhà ở theo chu kỳ ổn định 5 năm, trong khi đó giá đất được địa phương ban hành hằng năm. Như vậy là không hợp lý.

Có ý kiến đề nghị đất sản xuất, đất phi nông nghiệp cũng phải có ngưỡng giá trị để tính thuế. Nếu không sẽ có nhiều trường hợp chi phí đo đạc, làm thủ tục thu thuế tốn kém hơn số thuế thu được nhiều lần. Nhiều ý kiến đồng tình luật phải góp phần hạn chế nạn đầu cơ nhà, đất nhưng cũng phải bảo đảm thông thoáng cho thị trường bất động sản.

(S.T)

;
.
.
.
.
.