Lâu nay, người dân Đà Nẵng đã không còn xa lạ gì với việc lãnh đạo thành phố trực tiếp đối thoại với nhân dân để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc xung quanh chuyện giải tỏa, đền bù. Thực tế cho thấy, đối thoại là cách vận động quần chúng hiệu quả nhằm tìm kiếm tiếng nói đồng thuận từ phía người dân đối với các chủ trương lớn của thành phố.
Người dân tham gia buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố về dự án đường ĐT 602. |
Trong buổi đối thoại này, rất đông người dân đã đến tham dự và bày tỏ những vướng mắc cũng như suy nghĩ của mình đối với chủ trương giải tỏa, di dời cũng như chính sách đền bù cho dự án đường ĐT 602. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã trực tiếp trả lời, giải quyết từng ý kiến của bà con. Chỉ trong một thời gian ngắn, những vấn đề bức xúc của người dân đã được xem xét thấu đáo và ngay sau đó, bà con đồng tình di dời hoặc giao một phần đất đai để thành phố tiến hành thi công tuyến đường ĐT 602.
Có thể nói, việc đối thoại trực tiếp để giải quyết những vấn đề người dân quan tâm đã thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong công tác dân vận của chính quyền. Con đường ĐT 602 được hoàn thành trong một thời gian ngắn kỷ lục cũng chính nhờ phương thức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố và các ngành liên quan với người dân địa phương.
Chính nhờ đến tận nơi, lắng nghe từng ý kiến của bà con nên chính quyền thành phố mới có thể giải quyết thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mô hình đối thoại trực tiếp với nhân dân đến nay đã mở rộng ở cấp quận, phường và không chỉ dừng lại ở những vấn đề về giải tỏa, đền bù mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác.
Quy mô, cách thức tổ chức và tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân tuy có khác nhau nhưng đều là cách làm thiết thực để nâng cao tính dân chủ, phát huy vai trò và tiếng nói của cộng đồng dân cư trong xây dựng chính quyền. Cách làm này đã bảo đảm nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của quy chế dân chủ cơ sở.
Trong thực tế xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, để có sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân, nhất thiết phải chú trọng công tác vận động quần chúng, trong đó, đối thoại trực tiếp là biện pháp mang tính linh hoạt nhưng đem lại hiệu quả cao. Một mặt, tìm hiểu những suy nghĩ, nhận thức, thái độ của người dân đối với các quyết sách của chính quyền. Mặt khác, giải quyết những bức xúc trong nhân dân, ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc, định hướng đúng cho người dân về mục tiêu phát triển của thành phố.
Trong đối thoại trực tiếp, có thể xuất hiện nhiều ý kiến trái ngược nhau đối với các chủ trương chung của thành phố. Nhưng chính sự phản biện trái chiều của xã hội sẽ giúp cho chính quyền có những điều chỉnh kịp thời, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng chung của đông đảo quần chúng nhân dân. Và từ đó mới có được tiếng nói đồng thuận và thống nhất cao từ phía cộng đồng dân cư.
Năm 2009 được xác định là “Năm dân vận chính quyền”, và một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác dân vận năm nay chính là tăng cường những cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để dân bàn và tham gia ý kiến vào các chủ trương, quyết định có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân.
Đối với quá trình chỉnh trang đô thị ở Đà Nẵng, chuyện tranh chấp, khiếu nại của các hộ dân liên quan đến các chính sách đền bù luôn khiến cho chính quyền các địa phương phải đau đầu khi giải quyết. Không phải lúc nào đối thoại trực tiếp cũng mang đến một kết cục khả quan nhưng lại là một dịp để lãnh đạo chính quyền và những ban, ngành liên quan làm sáng tỏ khúc mắc của nhân dân một cách công khai.
Những gì có thể giải quyết và thông qua ngay tại buổi đối thoại thì lãnh đạo chính quyền sẽ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo. Đại diện Mặt trận, đoàn thể, các Ban quản lý dự án, các ngành… cũng có mặt tại các buổi đối thoại, tiếp dân để lắng nghe những ý kiến phản hồi của người dân. Qua đó, xác định những cách thức vận động quần chúng một cách phù hợp.
Có thể khẳng định, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và người dân là cách vận động quần chúng mang tính linh hoạt và hiệu quả. Thông qua đó, chính quyền các cấp không chỉ phát huy được tính dân chủ mà còn tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Triển khai “Năm dân vận chính quyền 2009”, UBND quận Thanh Khê đã phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng địa phương. Quận đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” hơn 1,3 tỷ đồng đã hỗ trợ xây dựng 34 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 64 nhà cho người nghèo. |
Bài và ảnh: Hà An