.

Gập ghềnh đường trở về

.

(ĐNĐT) - Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng vào một ngày đầu tháng 10. Ở đây, những con người khốn khổ đang từng ngày từng giờ nương tựa vào nhau mà sống. Người lành chăm sóc cho người bệnh, người bệnh nhẹ chăm sóc cho người bệnh nặng. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng ai cũng chung nỗi đau của kẻ bị bỏ rơi

Những phận đời bất hạnh

Không còn hy vọng, chị T. yên phận với cuộc sống của mình ở Trung tâm Bảo trợ xã hội
Trong thời gian có mặt tại trung tâm, tôi chú ý đến một bà cụ hết đi ra lại đi vào. Nhân lúc cán bộ trung tâm không có mặt, bà cụ tiến lại gần tôi, hỏi nhỏ: “Cô ở tòa án lên phải không? Tháng trước, họ hẹn tôi hôm nay lên ký giấy cho tôi về nhà. Đợt bão vừa rồi không biết nhà tôi bị gì không?”. 

Bà cụ tên Võ Thị Chính, 93 tuổi, ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê. Do xích mích với con nuôi nên bỏ nhà đi. Vợ chồng người con không đi tìm nên bà cụ được đem về trung tâm từ năm 2002. Thỉnh thoảng vào dịp lễ, tết người con nuôi mới vào thăm và xin cho bà về chơi ít ngày rồi đưa lên lại. Thời gian gần đây, do tuổi già, sức yếu cụ Chính sinh ra lẩm cẩm. Trông thấy người lạ đến trung tâm là tìm cách lại gần để xin được về.

Đáng thương hơn cụ Chính là trường hợp cụ Nguyễn Thị Én (SN 1926), vào trung tâm từ tháng 2-1997. Mặc dù các con cụ hiện đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng nhưng do hoàn cảnh gia đình “quá khó khăn” nên đành “làm ngơ” để mẹ cho Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm nuôi, thỉnh thoảng lại ghé thăm như người xa lạ.

Song, bi đát hơn, là những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay khi còn nằm trong tả. Chưa một lần (và có lẽ cùng chẳng bao giờ) được biết đến mặt cha mẹ. Trong ký ức của các em, gia đình chỉ là ảo ảnh không bao giờ chạm tới. Bị người cha nát rượu bỏ rơi từ năm lên 4 tuổi, suốt 6 năm gắn bó với trung tâm nhưng em Trần Thị Loan vẫn đau đáu tia hy vọng một ngày nào đó cha sẽ đến đón em về.

Cũng có những người mỏi mòn sống trong hy vọng rồi đau đớn thất vọng. Đành chấp nhận gắn bó trọn đời với trung tâm như trường hợp mẹ con chị Đ.T.T (quê ở Quảng Bình). Chị nghẹn ngào cho biết, cách đây 15 năm, cuộc sống ở quê cực khổ quá, vợ chồng chị bôn ba vào Đà Nẵng kiếm sống bằng nghề phụ xây. Nhưng chẳng được mấy năm, người chồng sinh ra rượu chè, một mình chị nuôi không nổi hai đứa con, rồi không nhớ làm thế nào lại vào trung tâm. Sống ở đây hơn 10 năm, mấy năm trước chị còn mong ra ngoài, nay thì yên phận với vai trò của một người phục vụ, chung tay chăm sóc mấy đứa trẻ đáng thương. Hai đứa con của chị, chị cũng không biết khi nào mới ra ngoài để lập thân, lập nghiệp.

Gập ghềnh con đường trở về

Bao giờ Hồng (bên phải) mới có được CMND để có thể ra ngoài tự lập?

Trong sáu tháng đầu năm 2009, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã tiếp nhận 221 lượt người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi bị bỏ rơi, người tàn tật không thể kiếm sống… Trong số đó, có người sau một thời gian được địa phương và gia đình đón trở về. Còn những người ở lại với trung tâm rơi vào 2 trường hợp: không có địa chỉ để về và có địa chỉ nhưng không thể về.

Ở đây, với nhiều người, con đường trở về hòa nhập với cộng đồng, xã hội dường như đã vượt quá sức của họ. Như trường hợp em Lê Thị Kim Hồng (23 tuổi). Được sự động viên của lãnh đạo trung tâm, Hồng theo học một lớp may công nghiệp với hy vọng sẽ “bắt đầu một cuộc đời mới” sau 13 năm gắn bó tại đây. Nhưng, dù cố gắng đến đâu em cũng không thể xin được việc làm vì không có... chứng minh nhân dân. Cũng như Hồng, nhiều em ở đây dù đã đủ tuổi để thực hiện quyền công dân nhưng vẫn chưa được công nhận chỉ vì “lý lịch không rõ nguồn gốc”.

Về điều này, ông Nguyễn Đức Liên, giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Do không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh nên mặc dù quy định của trung tâm chỉ nuôi các em đến 17 tuổi nhưng hiện tại có khoảng gần 10 em nằm trong độ tuổi từ 18 đến 22, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, vẫn không thể ra ngoài tự lập”.

Như một vòng quay luẩn quẩn, nhiều người vào trung tâm rồi sống đời, ở kiếp với nó. Đến lúc chết đi vẫn chưa một lần rõ mặt người thân...

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.