.
Giảm nghèo ở quận Cẩm Lệ

Giúp người nghèo bằng cái “cần câu” và tư vấn làm ăn

.

Hỗ trợ người nghèo cái “cần câu” để tự vươn lên, khắc phục khó khăn, tự thân thoát nghèo là một lẽ, nhưng sử dụng cái “cần câu” đó sao cho hiệu quả thì không đơn giản chút nào. Ở quận Cẩm Lệ, có những hộ đặc biệt nghèo dù được cấp vốn làm ăn nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nguyên nhân vì đâu?

Khó thoát nghèo

Chỉ bằng việc trang bị xe đẩy để buôn bán nhỏ, phường Hòa An đã giúp các hộ đặc biệt nghèo có cơ hội vượt khó vươn lên.

Toàn quận Cẩm Lệ hiện có 2.313 hộ nghèo theo chuẩn mới, trong đó có 72 hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Hằng năm, UBND quận Cẩm Lệ quy định tiết kiệm chi tiêu ngân sách, trích từ nguồn thu ngân sách từ 300 đến 400 triệu đồng để hỗ trợ cho hộ đặc biệt nghèo.

Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận cùng với các hội, đoàn thể và địa phương đã tích cực vận động giúp đỡ hộ nghèo về vật chất, đồ dùng gia đình, phương tiện làm ăn, sửa chữa nhà, bắc nước sạch… Với những nỗ lực trên, quận Cẩm Lệ đã phần nào mang lại cho các đối tượng trên một tiềm lực về vật chất và tinh thần để họ thoát nghèo. Thế nhưng, trong số 72 hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở quận Cẩm Lệ, không phải hộ nào cũng dễ dàng sử dụng những phương tiện được trao để tự thân vận động và vượt khó vươn lên.

Chị Phạm Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ giải thích: “Một số chị em phụ nữ không thể thoát nghèo vì họ lười biếng. Khi chúng tôi muốn cấp vốn để họ làm ăn thì không ít chị thú nhận rằng họ chẳng biết sử dụng vốn đó để làm gì, buôn bán nhỏ thì không thích, họ cũng chẳng có tâm trí đâu để học nghề.

Theo tôi thấy, cái chính là một số người quá lười biếng, không muốn lao động, họ ở nhà chẳng làm việc gì nhưng khi Hội Phụ nữ hướng cho họ cách làm ăn thì họ lại không làm. Sự lười biếng là một trong những nguyên nhân khiến cho một số hộ đặc biệt nghèo khó có thể thoát nghèo”. Đó là chưa kể có hộ cực nghèo nhưng lại sa vào tệ nạn xã hội và từ đó, con đường phía trước của họ trở nên mịt mù.

Bên cạnh đó, họ nghèo vì đẻ nhiều, một nguyên nhân thường thấy và đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Trong số 72 hộ đặc biệt khó khăn của quận Cẩm Lệ, có đến 25 hộ sinh 3 con trở lên. Đông con đã tạo nên một gánh nặng đối với những trường hợp này. Cái vòng luẩn quẩn về sự đông con và nghèo đói cứ xoay vần mãi. Nhưng bản thân các hộ gia đình này không ý thức được mối liên hệ giữa nghèo đói và đông con và do vậy, họ đã tự đưa mình vào con đường bần cùng, nghèo khổ.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phía bản thân những hộ nghèo đặc biệt khó khăn thì một số trường hợp khó thoát nghèo vì rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật thường xuyên, hoặc người già yếu hoặc là những gia đình không có người lao động. Theo khảo sát của quận Cẩm Lệ, trên địa bàn quận có 16 hộ hoàn toàn không có khả năng thoát nghèo do già yếu, neo đơn, bệnh tật, không có khả năng tự lao động để kiếm sống.

Tự thân phấn đấu

Ông Trương Bông, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hòa An, quận Cẩm Lệ cho biết: “Đầu năm 2009, phường có 9 hộ đặc biệt nghèo. Để giúp những hộ này thoát nghèo, chính quyền phường đã tổ chức đối thoại trực tiếp với các gia đình, tìm hiểu nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của họ để có sự giúp đỡ phù hợp. Xác định trợ giúp phải xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của mỗi gia đình, do vậy, tùy trường hợp, chính quyền phường Hòa An đã có cách hỗ trợ riêng.

Theo đó, trang bị phương tiện làm ăn cho 5 hộ, cụ thể: mua sắm bàn ghế, soong nồi, chén bát cho 2 hộ để kinh doanh ăn uống; hỗ trợ xe bán giải khát, bán báo, máy làm hương cho 3 hộ. Nhờ có những phương tiện này mà các hộ nghèo đã chú tâm hơn đến việc kinh doanh, buôn bán nhỏ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, phường cũng đã hỗ trợ trực tiếp một gia đình số vốn 10 triệu đồng để kinh doanh. Tính đến nay, 2 gia đình nghèo đặc biệt khó khăn của phường Hòa An đã thoát ngưỡng cực nghèo.

Cách làm của phường Hòa An đã được Hội LHPN quận nhân rộng. Xuất phát từ nhu cầu và điều kiện thực tế của từng gia đình, các cấp hội, đoàn thể và địa phương có những phương án thiết thực và hiệu quả để giúp họ thoát nghèo. Rõ ràng, trong nỗ lực vươn lên của những người nghèo, sự cố gắng của bản thân họ chính là chìa khóa để đưa họ lên một nấc thang mới tốt đẹp hơn.

Có phương tiện, có “cần câu cơm”, những ai nỗ lực phấn đấu sẽ thoát nghèo. Vượt qua ngưỡng cực nghèo không phải dễ, và muốn duy trì những thành quả xóa nghèo một cách bền vững thì không chỉ trông chờ vào sự trợ giúp của chính quyền mà chính người nghèo phải năng động và biết sử dụng sự hỗ trợ một cách hiệu quả. Thái độ trông chờ, ỷ lại vẫn còn hiện hữu ở một bộ phận gia đình thuộc diện cực nghèo.
 
Mục tiêu của quận Cẩm Lệ là đến cuối năm 2010 sẽ xóa hết những hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Để đạt mục tiêu này, ngoài những sự trợ giúp về vật chất, về phương tiện và kiến thức để mưu sinh thì sự tuyên truyền, vận động, động viên để thay đổi thái độ, thay đổi hành vi của người nghèo là rất quan trọng.

Làm sao để người nghèo nhận thức được nguồn gốc cái nghèo và tự thân phấn đấu vươn lên, sử dụng hiệu quả sự trợ giúp để từng bước thoát nghèo. Chính bản thân người nghèo mới giúp được họ về lâu về dài, trợ giúp chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, còn muốn giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tính tự lực, từ khả năng của chính người nghèo.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.