Năm 2007, khi được chị em phụ nữ tổ 7, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ bầu chọn làm tổ trưởng phụ nữ tại đây, chị Châu Thị Nguyệt thật sự bỡ ngỡ. Bởi lâu nay trong quá trình tham gia sinh hoạt Hội, chị chỉ biết nhiệt tình tham gia hưởng ứng tốt các phong trào đề ra, tính tình vốn nhút nhát... vậy mà nay chị em chọn làm tổ trưởng, liệu có cáng đáng nổi phong trào không?...
Được sự động viên của chồng, các con và chị em trong tổ tin tưởng, những buổi họp đầu tiên với vai trò tổ trưởng phụ nữ của chị Nguyệt cũng suôn sẻ dần, nội dung thông tin được chị triển khai cụ thể, dễ hiểu, những vấp váp, e ngại khi nói trước tập thể cũng dần biến đi, thay vào đó là niềm vui và tinh thần trách nhiệm của người tổ trưởng phụ nữ ở tuổi 40.
Chị Nguyệt luôn trăn trở: Phong trào và sinh hoạt Hội không thể dừng ở các hoạt động theo kiểu “đến hẹn lại lên”, đó chỉ là một hình thức quy tụ hội viên, chưa tạo được hiệu quả thiết thực, đã là một tổ chức hội, dù mô hình nhỏ ở cấp tổ (50 hội viên) nhưng rất cần những nội dung sinh hoạt tạo sự đoàn kết, tình tương ái và cùng vươn lên trong cuộc sống...
Thời điểm đầu năm 2008, phụ nữ quận Cẩm Lệ phát động phong trào “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác hòa trong đợt sinh hoạt chính trị-văn hóa sâu rộng của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với nội dung phát động: Mỗi chi, tổ hội đăng ký một việc làm theo cụ thể và thiết thực.
Bám sát nội dung phát động của Quận Hội, chị Nguyệt nghĩ: “Làm theo” Bác thì nhiều lắm, làm cả đời, học cả đời, nhưng phát động trong một tập thể của tổ phụ nữ thì rất cần một phong trào mang tính toàn kết và phải thật sự gần gũi với đời sống sinh hoạt của chị em trong tổ - phần lớn hội viên phụ nữ tổ 7, phường Khuê Trung đều là người lao động phổ thông, buôn bán nhỏ là chính, trong tổ nhiều trường hợp khó khăn rất cần sự giúp đỡ của xã hội.
Từ thực tế đời sống hội viên, chị Nguyệt đã họp tổ và triển khai việc xây dựng “hũ gạo tình thương”, vừa phát động, chị em trong tổ đã nhiệt tình tham gia. Bắt đầu từ việc vận động tự nguyện, đối với những gia đình có cuộc sống ổn định, mỗi khi nấu cơm chị em sẽ bớt một nắm gạo vào hũ gạo tiết kiệm tại gia đình, hằng tuần nếu có điều kiện thuận tiện chị em sẽ đem hũ gạo tiết kiệm của mình đến để góp vào “hũ gạo tình thương” của cả tổ (được đặt ở nhà chị Nguyệt), nhiều trường hợp bận bịu công việc thì chị Nguyệt và chị em trong tổ trực tiếp đến gom về.
Luân phiên 3 tháng/lần, từ số gạo tình thương này, tổ phụ nữ họp bàn công khai việc tổ chức trao tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tổ. Kể từ khi phong trào phát động đến nay đã có 16 lượt hộ gia đình khó khăn trong tổ phụ nữ số 7 được nhận gạo tình thương, trung bình 10kg/1 trường hợp...
Chưa dừng lại ở việc phát động “hũ gạo tình thương”, cùng chị em trong tổ, chị Nguyệt tiếp tục phát động mô hình “kế hoạch nhỏ” trong hội viên, thông qua việc gom góp ve chai của chị em trong tổ để xây dựng quỹ sinh hoạt thiếu nhi.
Cũng như phong trào “hũ gạo tình thương”, mô hình “kế hoạch nhỏ” đã tạo hứng khởi cho chị em hội viên tham gia, năm 2008, phong trào “kế hoạch nhỏ” gầy dựng quỹ với số tiền 7 triệu đồng, các chị đã tổ chức sinh hoạt cho các em nhỏ tại tổ vui đón Tết Trung thu, mua sách vở tặng 3 học sinh và tặng 4 bộ đồng phục học sinh cho 4 em có hoàn cảnh khó khăn vui ngày tựu trường.
Thấy được hiệu quả thiết thực từ các phong trào Hội và đặc biệt là tình đoàn kết trong hội viên, nên nhiều chị em có điều kiện sống khá giả đã đến bàn với chị Nguyệt việc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Cụ thể, các “mạnh thường quân” này thông qua chị Nguyệt hằng năm tặng từ 1 – 2 sổ bảo hiểm y tế cho phụ nữ nghèo, mỗi sổ trị giá 300.000 đồng (từ 2007 đến 2009 tặng được 5 sổ), dịp Tết Nguyên đán hằng năm tổ chức tặng 25 suất gạo, mì tôm, thịt cho các gia đình phụ nữ nghèo đơn thân, người cao tuổi gặp khó khăn và gia đình có nạn nhân chất độc da cam...
Chị Nguyệt tâm sự: Làm công tác phong trào Hội coi vậy chứ cũng vất vả lắm, phải biết sắp xếp thời gian, công việc gia đình hợp lý để lo công tác Hội, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tạo được uy tín trong chị em. Gia đình chị Nguyệt vươn lên ổn định cuộc sống từ hoàn cảnh khó khăn, được sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội giúp đỡ về mặt vật chất để chị có điều kiện mổ tim bẩm sinh cho con.
Thấu hiểu nỗi vất vả cuộc sống khó khăn đã qua, chị Nguyệt luôn tâm niệm phải sống có ích với đời, gia đình chị ổn định cuộc sống từ những tấm lòng “đồng cam cộng khổ” nên khi có điều kiện tham gia phong trào Hội chị luôn nhiệt tình, trách nhiệm và tham gia hết mình bên cạnh sự động viên của chồng và các con.
Thy Phương
.
.
Hiệu quả từ các phong trào Hội
Thứ Ba, 27/10/2009, 08:45 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.