Chiều ngày 29-10-2009, Quốc hội thảo luận ở tổ về chương trình hoạt động giám sát năm 2010 của Quốc hội. Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh.
|
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, ĐB thành phố Đà Nẵng, căn cứ quy định tại Điều 8, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi kiến nghị về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được cử tri và dư luận quan tâm, như: Hiệu quả sử dụng vốn, ngân sách, tài sản Nhà nước; thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản...
Trên cơ sở những tiêu chí như trình bày ở trên và từ kinh nghiệm qua hoạt động giám sát những năm gần đây, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét cho đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội 2 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học (tại kỳ họp thứ bảy); Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 (tại kỳ họp thứ tám).
Ngoài ra, ĐB đề nghị các vị ĐBQH cho ý kiến đóng góp những mặt đã làm được, những mặt còn tồn tại, sự phối hợp giữa các cơ quan Quốc hội và các Đoàn ĐBQH trong quá trình tổ chức giám sát tại các địa phương năm 2009. Qua đó, từng bước nâng tầm công tác giám sát tối cao của Quốc hội.
Một số ĐBQH tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hòa Bình cho rằng, vấn đề mà cử tri rất quan tâm hiện nay là việc thực hiện gói kích cầu thứ nhất vừa qua, hiệu quả như thế nào cần xem xét, quan tâm, giám sát. Về giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực cũng rất quan trọng, nhưng đề nghị cần có phương pháp giám sát sao cho hiệu quả. Các đại biểu đề nghị cần tổ chức giám sát vấn đề “nóng” hiện nay là hiệu quả sử dụng gói kích cầu của Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ĐB tỉnh Quảng Ninh thì những năm gần đây, các chương trình giám sát tối cao của Quốc hội đều tập trung vào mảng kinh tế. Do đó, năm 2010 Quốc hội nên tập trung giám sát mảng xã hội. Quốc hội có nhiều hình thức giám sát như giám sát tại kỳ họp, giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, giám sát của các Đoàn ĐBQH. Hơn nữa, các nội dung giám sát mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đã được quan tâm trong nhiều năm nay.
Về quan hệ giữa cơ quan Nhà nước, công chức Nhà nước với dân, doanh nghiệp trên diễn đàn Quốc hội cũng đã nói nhiều. Chúng ta làm được nhiều việc nhưng vẫn còn có những khâu chưa thông, nhiều thủ tục hành chính còn cản trở, không cần thiết. Do đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh, bảo đảm thủ tục hành chính vừa minh bạch, công khai, vừa dễ hiểu, tránh sơ hở để lợi dụng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Không nên coi thủ tục hành chính là bất di bất dịch mà cần tiếp tục được rà soát, điều chỉnh.
Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng, muốn giám sát tốt, có hiệu quả thì vấn đề trước hết là đòi hỏi người làm công tác giám sát phải có chuyên môn vững, am hiểu sâu về lĩnh vực cần giám sát.
ĐB bày tỏ quan điểm thống nhất với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2010 nên tập trung giám sát các trường cao đẳng, đại học. Ngoài ra, ĐB đề nghị cần giám sát tình hình quá tải ở các bệnh viện, lưu ý đối với các bệnh viện ung thư. Rồi vấn đề hằng năm ngân sách Nhà nước chi khá nhiều tiền cho công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng thực tế cơ quan chức năng đã dùng số tiền đó để làm gì, trong khi đó ngộ độc thức ăn vẫn diễn ra thường xuyên. Do đó, ĐB cho rằng cần giám sát việc sử dụng tiền ngân sách trong lĩnh vực này.
PHẠM HỮU HOA