.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP. ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XII

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội

.

Ngày 22-10-2009, Quốc hội thảo luận ở tổ để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010. Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh.

 


Chủ trì buổi thảo luận, ĐB Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề quan trọng như đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành về kinh tế-xã hội năm 2009; xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu của kế hoạch năm 2010…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng  của Quốc hội Ngô Thị Minh (ĐB tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, các trường đại học cần chú trọng đào tạo sinh viên có kỹ năng thực hành, không nên mở các trường đại học mang tính hàn lâm, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; cần quy định muốn mở trưởng đại học phải có tỷ lệ giáo viên nhất định, tránh tình trạng cùng một giảng viên nhưng lại có tên ở nhiều trường đại học khác nhau.

Cần đào tạo sinh viên theo hướng gắn với sử dụng, tránh một thực tế là người dạy thì cứ dạy, người học vẫn cứ học, nhưng học xong cầm chứng chỉ thì không biết làm gì. Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương với các cơ sở đào tạo cũng khá quan trọng, vì hiện nay, công tác hướng nghiệp thanh niên trong các trường phổ thông còn mờ nhạt. Địa phương không cung cấp cho nhà trường thông tin về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực nên nhà trường cũng không có thông tin để định hướng nghề nghiệp cho người học.

ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong năm 2009  khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực mạnh và trực tiếp đến nước ta. Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp đặc thù, mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả chống khủng hoảng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững. Tuy nhiên theo ĐB, báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ có phần đơn giản, chưa nói rõ những gì đã và đang diễn ra trong năm 2009 và những năm tới.

Báo cáo nặng liệt kê các lĩnh vực hoạt động với những nhận xét khả quan và đưa ra biện pháp chung chung, chưa cụ thể và thiếu những phân tích sâu sắc cần thiết, nhất là đối với các nội dung như tình hình, nhiệm vụ, giải pháp sắp đến, về tài nguyên, môi trường, bộ máy Nhà nước, chính quyền địa phương, về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giáo dục-đào tạo. Đặc biệt, chưa làm rõ hiệu quả, tác động của những chủ trương, giải pháp đột phá ngăn chặn suy giảm kinh tế, những vấn đề nảy sinh cụ thể khi thực hiện gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ cẩn trọng linh hoạt. Từ đó, xác định phương hướng tiếp tục sao cho hiệu quả trong những năm đến.

ĐB cho rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến mau lẹ, phức tạp thì việc xác định các chỉ tiêu kinh tế năm 2010 cần có phần lý giải trên cơ sở khoa học, thực tiễn, tính khả thi… cũng như cần đưa ra một vài phương án để Quốc hội bàn bạc, lựa chọn. ĐB đề nghị cần xem xét kỹ các dự án có nguy cơ gây lãng phí, kém hiệu quả để loại bỏ, ngừng xây dựng nhằm tiết kiệm vốn đầu tư như dự án sân bay Đồng Hới, sân bay Tuy Hòa, cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị). Tổ chức lại hạ tầng kỹ thuật điện thoại di động của Vinaphone, Mobiphone, Viettel, khắc phục tình trạng mỗi doanh nghiệp, mỗi ngân hàng thương mại có hệ thống hạ tầng kỹ thuật riêng biệt, hiệu quả thấp, lãng phí. 

ĐB đề nghị cần đưa ra các giải pháp cụ thể trong vấn đề chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, làm dối, làm ẩu; đồng thời cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội như y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… Đặc biệt, ĐB đề nghị cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, cải cách giáo dục nước nhà.

ĐB Bùi Thị Bình (Hòa Bình) cho rằng, trong thực tế người nông dân không dễ gì vay được nguồn tiền cho vay hỗ trợ lãi suất từ các ngân hàng do bị ràng buộc điều kiện phải mua sản phẩm sản xuất trong nước. Bởi thực tế, sản phẩm đó người nông dân đã có hoặc không được ưa chuộng trên thị trường. Về ưu tiên xuất khẩu lao động của đồng bào dân tộc cũng có nhiều vấn đề, do lao động không có trình độ nên có trường hợp sau khi đi xuất khẩu lao động về thì tiền kiếm được không đủ để trang trải chi phí khi đi.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, đối với 2 trong số các chỉ tiêu không đạt của năm 2009 là tạo việc làm và tỷ lệ hộ nghèo thì con số của báo cáo chưa chính xác, độ tin cậy chưa thật sự yên tâm. Theo ĐB, về giảm nghèo, chúng ta chưa thực hiện chuẩn nghèo mới, do tính đầu vào không có chuẩn nên đầu ra phát sinh phải chạy theo. Ban hành nhiều chính sách giảm nghèo nhưng điều quan trọng là phải giám sát việc tổ chức thực hiện.

Chẳng hạn, chi ngân sách cho chương trình giảm nghèo theo quy định của Chính phủ mỗi địa phương 1% nhưng các địa phương thực hiện cũng rất khác nhau, có nơi bao gồm cả chính sách đặc thù khác, kể cả chương trình 134, 135… Về tính khả thi của một số chính sách, ĐB cho rằng Nghị quyết 30a của Chính phủ xác định 62 huyện nghèo trong cả nước, nhưng do xuất phát điểm là người dân tộc ở huyện nghèo thì lấy đâu ra nguồn nhân lực để đưa đi xuất khẩu lao động.
          
ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) cho rằng, các doanh nghiệp lớn thì được vay hỗ trợ lãi suất, còn các doanh nghiệp nhỏ, sắp phá sản thì không được hỗ trợ. Về 62 huyện nghèo nhất của cả nước thì Lào Cai có 3 huyện, mỗi huyện một năm được hỗ trợ 25 tỷ đồng thì chỉ cần đầu tư một công trình lớn là hết tiền. Việc cấp phát máy móc nghe đài phát thanh cho nhân dân không hiệu quả do không có linh kiện thay thế, khi máy bị hỏng thì không sửa chữa được, phải bỏ đi nên rất lãng phí.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.