.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 6 QH KHÓA XII

Thẩm quyền quyết định thành lập đại học thuộc về Thủ tướng

.

Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ, tập trung cho ý kiến những vấn đề quan trọng của dự án Luật sửa đổi, bổ sung (SĐBS) một số điều của Luật Giáo dục. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cho rằng, thẩm quyền cho phép thành lập đại học thuộc về Thủ tướng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.


Tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật chưa giải quyết các vấn đề “nóng” về các bậc học hiện nay. Theo ĐB, quy định về các điều kiện thành lập trường đại học tại điều 50, điều 51 Luật Giáo dục rất chặt chẽ. Vấn đề ở chỗ không phải do luật thiếu chặt chẽ mà do khâu tổ chức thực hiện thiếu chặt chẽ.

Theo ĐB, để thành lập trường đại học, có 2 vấn đề: một là ban hành tiêu chí thành lập trường, vấn đề này không cần sửa luật mà chỉ cần nghị định; hai là vấn đề kiểm tra, thanh tra cho chặt chẽ. Nếu kiểm tra, thanh tra không chặt chẽ thì phải bị xử lý bằng chế tài. ĐB bày tỏ quan điểm thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, không chuyển thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học từ Thủ tướng cho Bộ trưởng, vì theo ĐB, thành lập trường đại học rất quan trọng, có ảnh hưởng đến việc xây dựng một thế hệ của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Quảng Ninh) cho rằng, cần tách bạch giữa 2 khâu: điều kiện thành lập trường và điều kiện để trường đi vào hoạt động. “Ví như ta mua xe nhưng muốn được lưu thông trên đường phải có bằng lái. Do chúng ta chưa quy định được cụ thể các vấn đề này nên Thủ tướng vẫn phải thực hiện thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trường”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đại biểu Ngô Văn Hùng, (Lào Cai) cho rằng, về nguyên tắc, luật SĐBS thì phải tiến bộ hơn luật cũ. Nhưng theo ĐB, càng đổi mới, sửa đổi thì ngành Giáo dục càng bùng nhùng. “Đất nước có phát triển không, ngoài văn hóa còn do giáo dục”. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay, lòng dân không yên. Các trường đại học đua nhau thành lập kiểu “trăm hoa đua nở”. Đầu vào đại học quá thấp, có trường hợp thí sinh thi 3 môn chỉ đạt 7 điểm nhưng có đến 3-4 giấy gọi đi học đại học. Có trường đại học thì không biết nằm ở chỗ nào, phụ huynh không biết tìm trường đại học đó ở đâu.

Theo ĐB, luật nói nhiều về điều kiện, tiêu chuẩn, cơ sở… nhưng thực tế không phải như vậy. Về giáo viên cho các trường đại học, không phải cứ buổi sáng đào tạo là buổi chiều có giáo viên ngay mà phải có quá trình. Đào tạo đại học không phải là đi làm kinh tế. Đó là những vấn đề bất cập hiện nay nhưng không chịu sửa.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, lần SĐBS này, Ban soạn thảo đề nghị SĐBS 22 điều trong tổng số 120 điều của Luật Giáo dục hiện hành, nhưng nội dung SĐBS chưa đúng và trúng những vấn đề cấp thiết nhất của nền giáo dục hiện nay, chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri và đại biểu Quốc hội. Cái đích mà giáo dục nước ta cần phải đạt tới trong 10 năm, 20 năm hoặc xa hơn nữa là phải vừa bảo đảm yếu tố hiện đại, hội nhập, vừa bảo đảm giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của giáo dục văn hóa Việt Nam.

ĐB đề nghị, luật cần quy định chặt chẽ về chương trình, sách giáo khoa. Trong đó, quy định cụ thể các khâu biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình. Nếu biên soạn sách giáo khoa mà không đúng, có sai sót thì từng thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể nói chung chung được.

Luật cần quy định rõ ngoài học phí, lệ phí thì gia đình, phụ huynh phải đóng góp gì nữa không, vì lâu nay vấn đề này cũng rất nan giải. “Thực tế đầu năm học, Hội Phụ huynh nhà trường vận động, kêu gọi phụ huynh học sinh đóng góp nhiều khoản tiền để mua máy điều hòa, máy vi tính, trồng cây cảnh, sửa chữa sân trường... gây rất nhiều phiền toái”, ĐB Huỳnh Nghĩa nói và đề nghị cần quy định rõ trong luật, nếu để xảy ra tình trạng lạm thu thì hiệu trưởng nhà trường phải chịu kỷ luật. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng lạm thu hiện nay trong nhà trường được.

Đồng tình với ĐB Huỳnh Nghĩa, ĐB Bùi Văn Duôi (Hòa Bình) cho rằng, lĩnh vực giáo dục hiện nay có quá nhiều vấn đề cần nói. Các môn học ở trường phổ thông rõ ràng là nặng nề. Chính những môn phụ thì giáo viên lại “hành” học sinh, vì nếu môn phụ mà điểm kém thì không được học sinh giỏi, dẫn đến phụ huynh phải đi “xin điểm” giáo viên. Đây là bất hợp lý mà chúng ta không chịu sửa.

ĐB Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh), chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa hiện nay gây tranh luận nhiều nhất, xói mòn niềm tin của nhân dân nhiều nhất, nếu không làm đúng thì sẽ mất một thế hệ. Đây là vấn đề gốc, rất quan trọng hiện nay.

Quốc hội cần quy định cụ thể chương trình giáo dục tiểu học là gì, trung học cơ sở là gì, trung học phổ thông là gì, thậm chí kể cả mầm non, tránh tình trạng cứ mỗi Bộ trưởng thì có một định hướng riêng, làm cho sách giáo khoa mất ổn định, dẫn đến mất niềm tin. Do đó, xây dựng luật giáo dục sao cho nội dung, chương trình sách giáo khoa phải mang tính ổn định, sao cho Bộ trưởng nào cũng phải tuân thủ theo luật.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.