Trong 8 tháng đầu năm 2009, toàn thành phố đã phát hiện 89 trường hợp nhiễm HIV mới, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2008. Đáng chú ý, số bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm hơn 50%, vì thế công tác quản lý, giám sát các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn.
Mở rộng tầm soát
Ngăn ngừa HIV/AIDS bằng việc tuyên truyền trong học sinh các cấp là việc cần đẩy mạnh hơn nữa. |
Tháng 3-2009, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS mở rộng 3 phòng khám sàng lọc lao và HIV tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Trung tâm Y tế quận Hải Châu và Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã phát hiện 1 ca nhiễm HIV mới và 6 bệnh nhân lao nhiễm HIV trên tổng số 114 bệnh nhân lao được tư vấn, xét nghiệm từ dịch vụ này.
Song song đó, tháng 4-2009, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại khoa Phụ sản và khoa Nhi Bệnh viện Đà Nẵng. Đến cuối tháng 8-2009, chương trình này đã tư vấn, xét nghiệm miễn phí cho 455 thai phụ đến khám và 2.914 trường hợp chuyển dạ sinh, qua đó phát hiện 5 trường hợp thai phụ nhiễm HIV lây sang con. Tất cả 5 bệnh nhân nhi phơi nhiễm đang được chăm sóc, điều trị dự phòng HIV/AIDS đến 18 tháng tuổi.
Mù tịt thông tin về bệnh nhân ngoại tỉnh
Một trong những khó khăn trong công tác phát hiện, giám sát và quản lý đối tượng nhiễm HIV hiện nay là hơn 50% trường hợp nhiễm mới mỗi năm ở thành phố Đà Nẵng là người ngoại tỉnh. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2009 đã phát hiện mới 46 người nhiễm từ ngoại tỉnh. Bác sĩ Phạm Thị Đào bức xúc:
“Hiện nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố đẩy mạnh chương trình tư vấn sau xét nghiệm. Tuy nhiên, những người được phát hiện dương tính với HIV thì không trở lại các cơ sở y tế, thậm chí giấu nhẹm địa chỉ, di chuyển liên tục. Đây là một khó khăn trong công tác giám sát. Hầu như chúng tôi không thể can thiệp giảm tác hại đối với người nhiễm HIV mới là người ngoại tỉnh”.
Cho đến nay, toàn thành phố đã có 518 đối tượng nhiễm HIV là người ngoại tỉnh. Đáng lo ngại, phần lớn trong số này là người đã từng tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Do vậy, một khi không được quản lý chặt chẽ và tư vấn về hành vi an toàn thì nguy cơ lây nhiễm cho người khác sẽ không tránh khỏi.
Theo bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, điều nguy hiểm hơn là nếu không được tư vấn thường xuyên, liên tục thì đối tượng nhiễm HIV rất dễ làm lây lan HIV trong gia đình, cộng đồng dân cư. Trong lúc đó, hiện nay vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để quản lý nhóm nhiễm mới là người ngoại tỉnh.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG