Sau mỗi trận bão, một trong những công việc cần kíp nhất là xây dựng lại số nhà bị sập đổ hoàn toàn. Vòng luẩn quẩn: đổ rồi xây, xây rồi đổ, liên tiếp xảy ra.
Bão là sập
Đúc bê-tông trên mái tôn đầu hồi nhà là giải pháp chống bão tốt nhất cho các nhà tường xây, mái tôn. |
Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết: Bị sập đổ hoàn toàn đều là loại nhà tường xây mái tôn và của các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Những nhà bị sập đổ đều do tường yếu, cửa ngõ thiếu chắc chắn và mái tôn lợp hở. Tấm tôn ngoài cùng không khép mí trong tường, gió lùa mạnh vào các kẽ hở và cứ thế bóc từng mảng.
Nhà nào gia cố không chắc chắn, tôn bị tốc bay hết. Nhà xà gồ chằng néo cẩn thận xuống tường, khi gió lùa vào mái tôn giằng giật kéo tường đổ. Khi gió lùa vào nhà, ắt phải có lối ra, nên nơi nào kém bền vững là bị phá tung. Ở địa phương này, nhiều nhà xây dựng không đến nỗi nào vẫn bị đổ, như nhà bà Lê Thị Phụng, nhà ông Mai Màng ở thôn Quan Nam 1.
Bão số 6 năm 2006, nhà anh Nguyễn Đăng Hải ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên bị tốc mái hoàn toàn, bão số 9 năm nay bị sập gần hết, trong khi đó nhiều nhà kết cấu tương tự gần đó bình an vô sự. Trước đây mái tôn nhà anh không chằng néo cẩn thận.
Sau bận đó, đáng lẽ anh rút kinh nghiệm, khi lợp chần mí tôn kín trong tường, hoặc ít ra cũng xây con lươn bằng bê-tông phía trên, đằng này vẫn mái tôn hở. Khi gió lùa qua các khe hở của mái tôn, chẳng mấy chốc mái nhà đã trống hoác. Gió lùa vào đẩy lên mái tôn, kéo đổ tường. Tính ra thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Anh Hải cho hay “nếu hồi lợp lại sau bão số 6 gia cố chắc chắn hơn thì đâu đến nỗi”.
Kiểu nhà nào chống bão?
Nhà ở xã Hòa Liên bị sập đổ đều do lợp mái hở và tường yếu. |
|
Ông Nguyễn Thu cho rằng: Ngành xây dựng cần phải thiết kế mẫu nhà phù hợp với điều kiện kinh tế ở nông thôn mà vẫn đủ khả năng chống bão. Theo ông, không cần nhà có diện tích lớn mà yêu cầu phải chắc chắn. Ít ra tường phải xây 20 cm, có đúc trụ bê-tông và giằng tường chu đáo. Với nhà lợp tôn, nhất thiết phần gia cố mái tôn phải chú trọng, tuyệt đối không để mái hở, mái và hiên phải tách rời nhau. Kèm theo đó, cửa chính, cửa sổ yêu cầu phải chắc chắn, khi có bão chằng néo cẩn thận. Tốt nhất là xây nhà lợp ngói. Từ trước đến nay, rất nhiều cơn bão lớn tràn qua địa bàn xã nhưng chưa thấy ngôi nhà ngói nào bị đổ.
Né tránh, thích nghi, một phần chế ngự là phương châm tối ưu trong phòng chống thiên tai hiện nay. Bên cạnh chủ động né tránh, cần tìm cách thích nghi với điều kiện có nhiều bão lũ cường độ lớn. Ở địa bàn miền Trung cần phải tính đến việc xây nhà đủ khả năng chống chọi với bão.
Và như vậy, vấn đề hết sức cần thiết là phải có kiểu nhà chống bão, trong đó chú trọng đến đối tượng hạn chế về kinh phí, cư ngụ ở khu vực nông thôn, miền núi. Đối với các nhà được tài trợ xây dựng lại sau bão, nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, phải có mẫu thiết kế bảo đảm độ bền vững cần thiết, đồng thời bảo đảm chất lượng thi công, để nhà đủ khả năng chống chọi với bão, ít ra cũng cấp 10, cấp 11...
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu