.

Kinh nghiệm phòng chống bão, lụt ở Hòa Phú

.

Những cơn bão, lũ tràn qua địa bàn xã Hòa Phú (Hòa Vang) trong những năm qua gây ra nhiều thiệt hại, mất mát cho nhân dân, nhưng đồng thời đã để lại cho chính quyền và người dân nơi đây những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão, lũ (PCBL). Nhờ vậy, mặc dù cơn bão số 9 vừa qua diễn ra với thời gian khá dài, phức tạp, kéo theo lũ lớn, nhưng nhờ chủ động trong công tác phòng chống nên Hòa Phú đã giảm thiệt hại đáng kể về người và tài sản.

Người dân xã Hòa Phú sửa chữa nhà cửa sau bão.

Chúng tôi đến xã Hòa Phú vào một ngày cuối tháng 10. Con đường dẫn vào xã dù khó đi hơn trước bởi những ổ gà trên đường do mưa bão gây ra, nhưng mọi thứ xung quanh dường như ít thay đổi, nhà cửa ở các thôn phần nhiều vẫn còn nguyên vẹn, cuộc sống người dân sau bão đã sớm ổn định. Ông Đặng Huynh - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay, sau khi cơn bão số 9 đi qua, địa phương có 45 nhà tốc mái một phần và một người bị thương khi đang chằng chống nhà cửa.

Sở dĩ ít bị thiệt hại trong bão là nhờ kinh nghiệm PCBL từ những năm trước để lại, nhất là trận lũ lịch sử năm 1999 và cơn bão Xangsane năm 2006. Khi có tin về cơn bão số 9, chính quyền xã tập trung bàn kế hoạch đối phó ngay từ đầu. UBND xã cử cán bộ về các thôn phối hợp cùng chính quyền thôn đến tận nhà dân nhắc nhở việc chằng chống nhà cửa, kê gác tài sản lên cao, dự trữ lương thực, nước uống và thuốc men cho những ngày bão, lũ diễn ra; đồng thời cấp bổ sung phương tiện phát thanh (loa) cho các thôn để giúp bà con theo dõi diễn biến của bão lũ hằng giờ.

Cán bộ chính quyền xã, các lực lượng xung kích tham gia trực chiến 24/24 giờ để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Nhờ đó, tuy mưa bão diễn ra dài ngày nhưng cuộc sống người dân vẫn bảo đảm, không một gia đình nào thiếu ăn.

Được biết, trong cơn bão số 9, xã có 2 thôn An Châu và Hòa Thọ nằm trong vùng nguy hiểm vì có hồ chứa nước Đồng Nghệ, vì vậy UBND xã chỉ đạo chính quyền 2 thôn có phương án di dân đến nơi an toàn, đề phòng hồ Đồng Nghệ xảy ra sự cố.

Ông Đặng Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, sau khi cơn bão đi qua, địa phương dù không bị thiệt hại nhiều về nhà cửa, tài sản, hoa màu và tính mạng con người, nhưng về rừng thì bị thiệt hại khá nặng nề.
 
Thống kê toàn xã có 2.171 ha rừng đang độ lớn, cơn bão đi qua đã gây thiệt hại ước tính 32,5 tỷ đồng... Người dân Hòa Phú đang gặp khó khăn trong việc đầu tư trồng lại rừng.

Ông Nguyễn Phan Bốn - Trưởng thôn An Châu cho biết, sau khi có sự chỉ đạo của UBND xã, chính quyền thôn và Ban phòng chống bão lũ thôn, Đội xung kích tiến hành di dân ở những vùng có nguy cơ vỡ đập, trong đó ưu tiên cho trẻ nhỏ và người già; đồng thời, nhắc nhở bà con dự trữ lương thực để ăn trong những ngày xảy ra bão lũ. Những gia đình khó khăn về lương thực, chính quyền thôn vận động bà con láng giềng quyên góp giúp đỡ với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Sau bão, cũng có những hộ có nhà tốc mái, nhưng chỉ thiệt hại nhỏ so với người dân ở các xã khác. Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Chiến, trú thôn Đông Lâm tâm sự: Nhờ kinh nghiệm có được sau những lần đối phó với bão lũ trước đây và với sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền xã, nhân dân chúng tôi đã chủ động đối phó và sơ tán người lên những vùng cao hơn để tránh lũ. Nếu như những năm trước, mỗi khi bão lũ xảy ra bà con chúng tôi đều lâm vào cảnh thiếu đói, nhưng nay với sự chủ động kịp thời nên lương thực dự trữ dùng được 10 ngày để đối phó với lũ kéo dài.

Ông Đặng Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, ngoài việc người dân dự trữ tốt nguồn lương thực, tại trung tâm xã, nguồn lương thực dự trữ của các đại lý cũng có thể cung cấp đủ cho nhân dân gần 1 tuần. Nhờ vậy, người dân xã Hòa Phú không lo đói, khát trong đợt bão lũ vừa qua.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.