Cách đây 60 năm, nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã tham gia lực lượng quân tình nguyện chiến đấu tại vùng Hạ Lào. Trải qua những năm tháng sống và công tác trên đất bạn, những người lính tình nguyện không chỉ thể hiện bản lĩnh kiên trung, anh dũng trong chiến đấu mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng quân và dân Lào.
Ông Phạm Thành Hân hồi tưởng lại thời kỳ chiến đấu, công tác trên đất bạn Lào. |
Ông Hân và những đồng đội của mình không chỉ đối mặt với những gian khổ, hiểm nguy của cuộc chiến đấu với kẻ thù mà còn phải đương đầu với những thách thức để “thu phục lòng người”. Làm sao để người dân Lào hiểu và tin tưởng vào mục tiêu chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Ông Hân nhớ lại: “Khi được điều về làm Trung đội trưởng trung đội tập trung của huyện Tha Tăng, tỉnh Xalavan, tôi nghe nói về bản Kẹo, nơi đây người dân hiểu lầm về bộ đội Việt Nam nên quân tình nguyện không vô được bản.
Biết chuyện này, tôi đã quyết phải tìm cách đến với người dân ở đây. Một mình tôi đi tay không vào làng, người trong làng thấy tôi thì chạy ra vây kín, muốn đánh và bắt tôi lại. Nhưng lúc đó, tôi bình tĩnh nói với họ bằng tiếng Lào rằng: Tôi là bộ đội cách mạng Việt Nam, tôi vào đây để thăm đồng bào, tôi đi tay không đến giúp bà con đánh giặc”.
Bằng sự bình tĩnh, bản lĩnh tự tin, ông Hân đã tạo niềm tin và giành được tình cảm yêu mến của những người dân trong bản Kẹo. Tiếp sau đó, suốt 3 tháng trời, ông đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con bản Kẹo, giúp họ cách trồng trọt, dạy họ cách vũ trang để phòng vệ, xây dựng lực lượng dân quân, tổ chức lại cuộc sống của người dân nơi đây. Từ những thành quả này mà người dân Lào thêm tin yêu, quý mến và trân trọng những tình nguyện quân Việt Nam.
Trong hơn 30 năm liên tục giúp nước bạn Lào chiến đấu giành độc lập, tự do, những tình nguyện quân Việt Nam đã không nề hà gian khổ, hiểm nguy, vất vả. Họ đã tham gia rất nhiều hoạt động từ đấu tranh chống kẻ thù, xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân sản xuất, làm nương, làm ruộng đến việc quét dọn nhà cửa, kiếm củi, tắm cho trẻ em, kể cả đỡ đẻ… Sự kiên trì, bền bỉ của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã dần dần thu phục được tấm lòng và tình cảm của người dân các bộ tộc Lào.
Ông Trần Như Tiếp, Trưởng Ban liên lạc Cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào tại thành phố Đà Nẵng nhớ lại: “Chủ trương của chính sách dân vận khi chiến đấu trên đất bạn là không được đụng đến tài sản của dân.
Tất cả đơn vị chiếm lĩnh vị trí nào thì ở nguyên vị trí đó, vừa làm công sự, vừa luân phiên canh gác cảnh giới, vừa phân công nhau quét dọn sân vườn, cho gà, lợn ăn. Mọi tài sản của nhân dân từ xe hơi đến vườn cây trái tuyệt đối được bảo vệ, giữ gìn. Quân tình nguyện Việt Nam phải học tiếng Lào để tuyên truyền, giúp cho người dân Lào hiểu đúng về những hoạt động của bộ đội Việt Nam và chính sách của Mặt trận yêu nước Lào”.
Khi đã hiểu được việc làm đầy ý nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam thì người dân Lào trở nên cởi mở, gần gũi và thân thiện hơn với bộ đội Việt. Họ mở rộng cửa, nhiều gia đình mời bộ đội vào nghỉ trong nhà, cho ăn, cho ở, trẻ em không e dè mà quấn quýt bên cạnh những anh bộ đội giải phóng đến từ đất Việt.
Đông đảo người dân các bộ tộc Lào rất yêu mến quân tình nguyện Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
|
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hơn 3 vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã tham gia giúp nước bạn Lào. Nhiều lúc anh em bộ đội đóng khố, ở trần, để tóc dài, phơi nắng cho da đen để tiếp cận với dân, giúp dân sản xuất, học chữ, chữa bệnh cho người dân.
Những hoạt động tình nguyện của bộ đội Việt Nam đã giành được tình cảm yêu mến của người dân các bộ tộc Lào; thể hiện tinh thần đoàn kết, tận tâm tận lực trong cuộc chiến tranh giải phóng nước bạn Lào và từ đó, ngày càng thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa hai nước Việt - Lào.
MỸ HẠNH